Thành phố Ninh Bình vốn xưa là trấn lỵ Vân Sàng của đất Thanh Hoa ngoại, mà trung tâm là làng Đại Đăng, đất kho cũ của nhà Lê. Lê quốc triều, buổi đầu còn là hào lũy, có trồng cây trúc, cây dâu, cây tre bao quanh.
Từ sau Cách mạng tháng Tám thành phố Ninh Bình có những thay đổi lớn về địa giới hành chính và tổ chức các đơn vị hành chính. Cụ thể:
Trước năm 1975, thị xã Ninh Bình trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Sau năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ hai, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình được hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh, thị xã Ninh Bình thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Năm 1977, Hội đồng Chính phủ quyết định hợp nhất thị xã Ninh Bình với huyện Gia Khánh và lấy tên mới là huyện Hoa Lư theo Quyết định số 125-CP ngày 27/04/1977. Thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn huyện lỵ gọi tên là thị trấn Ninh Bình thuộc huyện Hoa Lư.
Năm 1981, thị trấn Ninh Bình được tách khỏi huyện Hoa Lư để thành lập thị xã Ninh Bình theo Quyết định số 151-CP ngày 09/04/1981 của Hội đồng Chính phủ. Thị xã Ninh Bình bao gồm toàn bộ đất đai của thị trấn Ninh Bình và gồm có các phường Văn Giang, Lương Văn Tuỵ, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung.
Năm 1982, Hội đồng Bộ Trưởng ban hành Quyết định số 196-HĐBT ngày 14/12/1982 và Quyết định số 200-HĐBT ngày 17/12/1982, theo đó:
- Cắt một phần đất của các xóm Thượng Lân, Đầu Núi và của thôn Bích Đào thuộc xã Ninh Sơn, huyện Hoa Lư để sáp nhập vào phường Đinh Tiên Hoàng.
- Tách xã Ninh Thành của huyện Hoa Lư (trừ thôn Phúc Ám) để sáp nhập vào thị xã Ninh Bình.
Năm 1992, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10, tỉnh Ninh Bình được tái lập, thị xã Ninh Bình trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Năm 1996, thực hiện Nghị định số 69-CP ngày 02/11/1996 của Chính phủ:
- Địa giới hành chính của các xã Ninh Khánh, xã Ninh Tiến, xã Ninh Phong, xã Ninh Sơn, xã Ninh Phúc thuộc huyện Hoa Lư được điều chỉnh để sáp nhập vào thị xã Ninh Bình.
- Tổ chức lại các phường, thành lập các phường: Tân Thành, Đông Thành, Nam Thành, Phúc Thành, Nam Bình, Bích Đào; đổi tên phường Đinh Tiên Hoàng thành phường Thanh Bình.
Năm 2004, chuyển các xã Ninh Khánh, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Sơn, Ninh Phúc thuộc huyện Hoa Lư về thị xã Ninh Bình quản lý theo Nghị định số 16/2004/NĐ-CP ngày 09/01/2004 của Chính phủ.
Năm 2005, thực hiện Nghị định số 58/2005/NĐ-CP ngày 28/4/2005 của Chính phủ và Quyết định số 2241/2005/QĐ-BXD ngày 02/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây Dựng:
- Một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của phường Thanh Bình, xã Ninh Sơn, xã Ninh Phong được điều chỉnh về phường Nam Bình; của phường Bích Đào được điều chỉnh về xã Ninh Sơn và của phường Nam Bình được điều chỉnh về xã Ninh Phong.
- Phường Ninh Khánh, phường Ninh Phong được thành lập trên cơ sở xã Ninh Khánh, xã Ninh Phong.
- Thị xã Ninh Bình được công nhận là đô thị loại III.
Năm 2007, Chính Phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP ngày 07/02/2007 và Nghị định số 177/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007, theo đó:
- Thành phố Ninh Bình được thành lập trên cơ sở toàn bộ các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Ninh Bình.
Thành phố Ninh Bình có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường: Vân Giang, Thanh Bình, Phúc Thành, Đông Thành, Tân Thành, Nam Bình, Bích Đào, Nam Thành, Ninh Phong, Ninh Khánh và các xã: Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Sơn, Ninh Phúc.
- Thành lập phường Ninh Sơn thuộc thành phố Ninh Bình trên cơ sở xã Ninh Sơn.
Năm 2014, thành phố Ninh Bình được công nhận là đô thị loại II theo Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 20/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính. Đến nay, thành phố Ninh Bình có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên. Ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền, thành phố Ninh Bình vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước:
- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1998
- Huân chương độc lập hạng Ba, năm 2012
Những tài liệu sau phần nào thể hiện được sự thay đổi về địa giới hành chính và sự phát triển của thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình:
LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH
Trực tuyến: 30
Hôm nay: 342