Trung tâm lưu trữ lịch sử
Thứ Sáu, 18/10/2024
Chào mừng đến với Website của Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.

Lịch sử địa giới hành chính huyện Nho Quan qua tài liệu lưu trữ

Thứ năm, 19/09/2024 53 lượt xem

Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì “Phủ Nho Quan nguyên tên là Thiên Quan, năm Tự Đức thứ 15 (1862), đổ tên như hiện nay … Nguyên xưa là đất Man, thuộc phủ Trường Yên. Đời Trần gọi là trấn Thiên Quan. Đời Lê Quang Thuận đặt riêng làm một phủ, khác với phủ Trường Yên …”

Thời thuộc Minh (1400-1427), vùng đất Nho Quan có tên là huyện Khôi. “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi có viết: “Khi Khôi huyện quân không một đội” là nói về thời kỳ 1422, quân Minh do Mã Kỳ chỉ huy ước hẹn với vua Ai Lao từ hai mặt cùng đánh vào Quan Du (Thanh Hóa), Lê Lợi phải bỏ căn cứ Quan Du đề lùi ra huyện Khôi (Nho Quan), lập căn cứ địa mới. Quân Minh lại cho bao vây huyện Khôi hòng tiêu diệt hoàn toàn quân ta, nhưng tại đây, chúng đã bị đánh tan tác. Tả tham tướng của giặc Minh là Phùng Quý bị chặt đầu, trên 1000 quân bị tiêu diệt. Lê Lợi đã củng cố được lực lượng và căn cứ vững chắc của mình tại đây.

Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, vào thời Hồng Đức (1470- 1497), Ninh Bình có 2 phủ: Trường Yên và Thiên Quan. Phủ Thiên Quan có 3 huyện, 70 xã, gồm huyện Yên Hóa có 22 xã (Thời Lê Sơ gọi là Ninh Hóa, hiện nay không còn huyện này. Theo bản đồ năm 1909 của Sabe và Galoa (Chabert-Gallois) thì huyện này là phần đất miền núi huyện Gia Viễn hiện nay, phía tây giáp Hà Nam, phía đông đến thượng lưu sông Hoàng Long, tức là vùng Xích Thổ, Đề Cốc). Huyện Phụng Hóa có 27 xã, 1 làng, 1 trại, chính là phần đất huyện Nho Quan ngày nay. Huyện Lạc Thổ có 31 xã, 5 trang (huyện này năm 1836, thời Minh Mệnh, đổi tên là Lạc Yên rồi Yên Lạc, nay là đất huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Suốt thời Lê cũng như phủ Trường Yên, phủ Thiên Quan, lệ thuộc Thanh Hoa, gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì “Nguyên là đất phủ Trường Yên, đời Lê Quang Thuận (1460-1469) tách ra làm huyện, lệ vào phủ Thiên Quang, họ Quách, họ Đinh là thổ tù nối đời quản trị, bản triều đầu đời Gia Long (1802) cũng theo như thế”

Cũng theo “Đại Nam nhất thống chí” cho biết, “Năm Minh Mệnh thứ 17, bỏ thổ tù thế tập, do phủ kiêm lý, năm thứ 18, thổ phỉ gây loạn, quan quân dẹp yên, bèn tước bỏ tên xã Sơn Âm, đổi tên là ấp Yên Cư, nay lãnh 4 tổng, 29 xã, thôn, trại”(2). Theo “Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” của Nguyễn Tử Mẫn, lúc này huyện Phụng Hóa có 4 tổng là tổng Lãng Phong (7 xã) tổng Yên Lạc (7 xã) tổng Văn Luận (7 xã) và tổng Quỳnh Lưu (9 xã).

Năm 1921, 3 tổng Đề Cốc, Bất Một, Xích Thổ thuộc huyện Yên Hoá sáp nhập vào huyện Gia Viễn.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, tên huyện Nho Quan vẫn được giữ nguyên như trước. Song trong khoảng thời gian này, huyện Nho Quan có những thay đổi lớn về địa giới hành chính và tổ chức các đơn vị hành chính. Cụ thể:

Cắt tổng Vân Trình (huyện Gia Viễn) nhập vào huyện Nho Quan1.

Đầu năm 1953, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định sáp nhập 5 xã Quang Minh, Phú Thịnh, Bảo Lương, Đoàn Kết và Yên Lương thuộc huyện Nho Quan vào huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình2.

Năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ hai, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình  được hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh, huyện Nho Quan thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125-CP về việc hợp nhất huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn thành một huyện lấy tên là huyện Hoàng Long.

Năm 1981, chia huyện Hoàng Long thành 2 huyện lấy tên là huyện Hoàng Long và huyện Gia Viễn theo Quyết định số 151-CP ngày 09/4/1981 của Hội đồng Chính phủ. Huyện Hoàng Long gồm có các xã Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hoà, Kỳ Phú, Cúc Phương, yên Quang, Văn Phương, Văn Phong, Lạng Phong, Đồng Phong, Quỳnh Lưu, Sơn Lai, Sơn Hà, Quảng Lạc, Phú Long, Phú Lộc, Văn Phú, Đức Long, Lạc Vân, Phú Sơn, Thạch Bình, Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Thuỷ, Gia Lâm, Gia Tường và thị trấn Nho Quan.

Năm 1992, thực hiện tái lập tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10, huyện Hoàng Long thuộc tỉnh Ninh Bình.

Ngày 23/11/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 88-CP, đổi tên huyện Hoàng Long thành huyện Nho Quan

Năm 2008, điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Đồng Phong; diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Lạng Phong về thị trấn Nho Quan theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 06/11/2008 của Chính phủ

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính. Đến nay, huyện Nho quan có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên. Ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền, huyện Nho Quan vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước:

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2001;

Huân Chương Lao động hạng Nhất, năm 2011;

Huân Chương Lao động hạng Nhì, năm 2004;

Huân Chương Lao động hạng Ba, năm 2022;

Cờ thi đua Chính phủ, năm 2017.

Những tài liệu sau phần nào thể hiện được sự thay đổi về địa giới hành chính và sự phát triển của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình:

 

 

 

 

 

LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH

Liên kết website
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
162780

Trực tuyến: 30

Hôm nay: 277