Trung tâm lưu trữ lịch sử
Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng đến với Website của Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.

Lịch sử địa giới hành chính huyện Kim Sơn qua tài liệu lưu trữ

Thứ sáu, 13/09/2024 159 lượt xem

Ngay sau khi hoàn thành công cuộc khẩn hoang lập huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã xin với Vua Minh Mệnh tại buổi chầu tháng 10, ngày mồng 1, lễ Đông hưởng, năm Mậu Tý (tháng 11 năm 1828) việc khẩn hoang vùng bãi bồi ven biển các huyện Yên Mô, Yên Khánh chỗ đối ngạn với huyện Giao Thủy, Chân Định (trấn Nam Định)

Được sự chấp thuận và hỗ trợ của Nhà nước phong kiến, dưới tài tổ chức của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, sự đóng góp tích cực của 60 vị chiêu mộ, chỉ với 1260 nhân đinh, với công cụ thô sơ, lao động thủ công, bằng mồ hôi và sức lực con người đã làm nên sự nghiệp phi thường. Sau khoảng 5 tháng, đã đo đạc, khẩn hoang được 14.620 mẫu ruộng hoang chia cấp cho dân nghèo, hình thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp. Trên cơ sở số dân cư, ruộng đất này, triều Minh Mệnh cho lập làm 5 tổng (gồm: Chất Thành, Hồi Thuần, Quy Hậu, Hướng Đạo, Tự Tân), đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn, thuộc phủ Yên Khánh, trấn Ninh Bình; huyện lỵ đặt tại Xóm Quy Hậu.

Thời điểm thành lập huyện Kim Sơn là ngày Bính Thân (mồng Hai), tiết Thanh Minh, tháng Ba, năm Kỷ Sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 (tức ngày 05/4/1829). Sau đó, thêm hai tổng mới được thành lập là Tuy Lộc và Lai Thành, chưa rõ chính thức vào thời điểm nào, song một số văn bản lập năm Tự Đức thứ 19 (Bính Dần, 1866) đã ghi chức sắc 7 tổng.

Năm Mậu Ngọ (năm 1918), vua Khải Định quy định cấp phủ và cấp huyện có vị thế ngang nhau, nên Kim Sơn là huyện độc lập thuộc tỉnh Ninh Bình[1], không phụ thuộc phủ Yên Khánh. Theo Ngô Vi Liễn, năm 1927, huyện Kim Sơn có 7 tổng, 67 xã, thôn[2].

* Giai đoạn 1945 - 1975:

- Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, huyện Kim Sơn vẫn có địa dư như cũ. Cấp tổng ở dưới huyện bị bãi bỏ, hệ thống chính quyền làng xã phong kiến bị thay thế bằng chính quyền nhân dân lâm thời, đến tháng 4/1946 được thay bằng chính quyền chính thức, thông qua bầu cử ủy ban hành chính các xã, có một số xã nhỏ được sáp nhập để thành xã lớn.

- Năm 1948, theo Sắc lệnh số 148-SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các danh từ “phủ, châu, quận” bị bãi bỏ; từ đây cấp trung gian giữa tỉnh và xã nhất loạt gọi là huyện. Tại Kim Sơn, để tiện cho việc chỉ đạo phong trào kháng chiến, Kim Sơn lập các đại xã (xã lớn), gồm nhiều xã nhỏ hợp lại, lấy tên các vị anh hùng dân tộc như: Hùng Vương, Trưng Trắc, Tiên Hoàng, Công Uẩn, Lê Lợi, Quang Trung, … hay các nhà hoạt động cách mạng như: Thái Học, Sào Nam, … Cũng năm này, tiếp nhận hai xã Yên Lâm, Bình Sa từ huyện Yên Mô về. Toàn huyện có 25 xã.

- Tháng 5/1948, sáp nhập hai xã Bình Sa và Yên Lâm vào xã Thường Kiệt, đồng thời đổi tên xã mới này thành xã Công Trứ.

- Tháng 10 năm 1956, xã Tô Hiệu được tách thành 3 xã mới là xã Kim Mỹ, xã Kim Tân và xã Tô Hiệu[3].

- Ngày 03/12/1958, thị trấn Phát Diệm được thành lập theo Nghị định số 462-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Ngày 22/7/1964, theo Quyết định số 199-NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, 17 xã thuộc huyện Kim Sơn được đổi tên mới.

- Ngày 28/01/1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 27-NV thành lập thị trấn Nông trường Bình Minh trực thuộc huyện Kim Sơn. Huyện Kim Sơn, thuộc tỉnh Ninh Bình có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 23 xã và 02 thị trấn. Địa giới và tổ chức các đơn vị hành chính ở huyện Kim Sơn được giữ ổn định cho đến ngà miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975).

* Giai đoạn 1975 - 2020:

- Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, kỳ họp thứ 2 quyết nghị: Hợp nhất tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Huyện Kim Sơn lúc này thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

- Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125/CP, theo đó đã sáp nhập 9 xã của huyện Yên Khánh: Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu, Khánh Thủy, Khánh Công, Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Cường vào huyện Kim Sơn.

- Ngày 01/02/1978, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 22-BT về việc hợp nhất xã Kiến Trung và xã Trì Chính thành xã Kim Chính; đưa Đội 3 của xã Trì Chính về xã Thượng Kiệm, sáp nhập xóm Cửu Long của xã Lưu Phương vào xã Kim Tân.

- Ngày 27/3/1978, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 51-BT về việc hợp nhất xã Chất Bình và xã Hồi Ninh thành xã Kim Bình. Hợp nhất xã Yên Mật và xã Yên Lạc[4] thành xã Kim Yên. Sáp nhập thôn Tuy Lộc Hạ và thôn Tuy Lộc Thượng của xã Yên Lộc vào xã Lai Thành. Sáp nhập thôn Nam Hải của xã Văn Hải vào xã Kim Mỹ.

- Ngày 01/4/1986, theo Quyết định số 34-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thành lập xã Kim Hải tại vùng kinh tế mới

- Ngày 13/02/1987, theo Quyết định số 26-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thị trấn Nông trường Bình Minh được đổi tên thành thị trấn Bình Minh.

- Từ ngày 01/4/1992, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10 (thông qua ngày 26/12/1991), tỉnh Ninh Bình được tái lập. Khi đó, huyện Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình.

- Ngày 23/11/1993, theo Nghị định số 88-CP của Chính phủ: xã Kim Trung được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu thuộc khu vực Cồn Thoi.

- Ngày 04/7/1994, theo Nghị định số 59/CP của Chính phủ: 09 xã của huyện Kim Sơn (gồm: Xã Khánh Hồng, xã Khánh Nhạc, xã Khánh Hội, xã Khánh Mậu, xã Khánh Thuỷ, xã Khánh Cường, xã Khánh Trung, Xã Khánh Thành, xã Khánh Công) tách khỏi huyện Kim Sơn để thành lập lại huyện Yên Khánh. Theo đó, chia tách xã Kim Yên để tái lập xã Khánh Hồng (chuyển về huyện Yên Khánh) và tái lập xã Yên Mật; chia tách xã Kim Bình thành hai xã Hồi Ninh và Chất Bình.

- Ngày 07/11/1997, theo Nghị định số 108/1997/NĐ-CP của Chính phủ: Thành lập xã Kim Đông thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Ngày 10/01/2020, theo Nghị quyết số 861/2020/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2020): Thành lập xã Xuân Chính trên cơ sở nhập xã Xuân Thiện và xã Chính Tâm. Điều chỉnh một phần xã Yên Mật vào xã Kim Chính, phần còn lại của xã Yên Mật vào xã Như Hòa.

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính. Đến nay, huyện Kim Sơn có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã và 02 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 239,78 km2, quy mô dân số đến ngày 31/12/2022 là 191.897 người. Huyện Kim Sơn đã có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền, huyện Kim Sơn đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước như:

Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2004;

Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2007;

Huân Chương Độc lập hạng Ba, năm 2012;

Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2019;

Cờ thi đua Chính phủ năm 2007, 2014.

[1] Tháng 11/1931 trấn Ninh Bình đổi thành tỉnh Ninh Bình

[2] Dẫn theo Tỉnh ủy Ninh Bình – Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Địa chí Ninh Bình, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 42.

[3] Trang 12 Lịch sử Đảng bộ xã Kim Mỹ (2013); Trang 9 Lịch sử Đảng bộ xã Cồn Thoi (2015); Trang 16 Lịch sử Đảng bộ xã Kim Tân (2013).

[4] Tên cũ của xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, có lẽ do sơ xuất khi đánh máy nên tại Quyết định số 51-BT của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng vẫn ghi là xã Yên Lạc.

 

Những tài liệu sau phần nào thể hiện được sự thay đổi về địa giới hành chính và sự phát triển của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH

Liên kết website
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
173453

Trực tuyến: 34

Hôm nay: 291