Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Gia Viễn… đời Đường gọi là Nhu Viễn, sau đổi thành Uy Viễn. Thế kỷ X (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý), Gia Viễn có tên gọi là động Hoa Lư, châu Đại Hoàng. Đại Hoàng là tên châu, đồng thời là tên sông. Đầu thời Trần, Đại Hoàng đổi tên thành Đại Viễn. Sau đổi tên thành Lê Gia và Uy Viễn”.
Theo sách “Đại Nam Nhất Thống chí”: “Gia Viễn… thời thuộc Minh đổi Lê Gia làm Lê Bình cùng với huyện Uy Viễn đều lệ thuộc vào châu Trường Yên, do phủ Kiến Bình Thống lĩnh… Đời Lê Quang Thuận, đổi tên như hiện nay, lệ bản phủ, bản triều vẫn theo như thế…”
Huyện lỵ huyện Gia Viễn trước đây đóng ở thôn Tùy Hối (xã Gia Tân). Năm 1802 chuyển về xã Đới Nhân (Ninh Mỹ, Hoa Lư). Năm 1878 huyện lỵ chuyển về làng Me (xã Gia Vượng) cho đến nay.
Năm 1921, 3 tổng Đề Cốc, Bất Một, Xích Thổ thuộc huyện Yên Hoá sáp nhập vào huyện Gia Viễn.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, tên huyện Gia Viễn vẫn được giữ nguyên như trước. Song trong khoảng thời gian này, huyện Gia Viễn có những thay đổi lớn về địa giới hành chính và tổ chức các đơn vị hành chính. Cụ thể:
Năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ hai, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình được hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh, huyện Gia Viễn thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 27/4/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125-CP hợp nhất huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn thành một huyện lấy tên là huyện Hoàng Long.
Ngày 09/04/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 151-CP, trong đó tách huyện Hoàng Long thành 2 huyện lấy tên là huyện Hoàng Long và huyện Gia Viễn.
Huyện Gia Viễn được tái lập gồm 20 xã: Gia Phong, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Sinh, Gia Hoà, Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Thanh, Gia Xuân, Gia Trấn, Gia Tân, Gia Lập, Gia Vân, Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương, Gia Thịnh, Gia Phú, Gia Vượng, Gia Trung.
Ngày 01/04/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 34-HĐBT thành lập thị trấn Me, gồm 4 tổ dân phố trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Gia Vượng và xã Gia Thịnh.
Năm 1992, thực hiện tái lập tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, huyện Gia Viễn thuộc tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 06/11/2008 của Chính phủ, Ủy ban nhân tỉnh ra Quyết định số 518/QĐ-CT ngày 15/12/2010 về điều chỉnh, sắp xếp, thành lập các thôn, tổ dân phố và đổi tên các xóm thành thôn, tổ dân số trên địa bàn một số xã thuộc huyện Gia Viễn, chuyển một phần diện tích tự nhiên và dân số xóm thuộc xã Gia Vượng và xã Gia Thịnh sáp nhập vào thị trấn Me; điều chỉnh, sắp xếp diện tích tự nhiên, dân số các xóm thuộc xã Gia Xuân và xã Gia Thịnh. Thị trấn Me là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.
Theo Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc thành lập một số thôn mới thuộc xã Gia Trung và xã Gia Lập huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, hiện nay, huyện Gia Viễn có 20 xã, 01 thị trấn, 201 thôn, xóm, tổ dân phố.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính. Đến nay, huyện Gia Viễn có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên. Ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền, huyện Gia Viễn vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước:
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2001;
Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2014;
Huân hương Lao động hạng Nhì, năm 2020;
Cờ thi đua của Chính phủ, năm 2019, 2021.
Những tài liệu sau phần nào thể hiện được sự thay đổi về địa giới hành chính và sự phát triển của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình:
LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH
Trực tuyến: 26
Hôm nay: 281