Trung tâm lưu trữ lịch sử
Thứ Sáu, 18/10/2024
Chào mừng đến với Website của Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.

Lịch sử địa giới hành chính huyện Yên Mô qua tài liệu lưu trữ

Thứ tư, 28/08/2024 145 lượt xem

Sách “Đại Nam nhất thống chí”, chép về huyện Yên Mô như sau: “Huyện Yên Mô… nguyên là đất Mô Độ đời xưa, thời thuộc Minh đổi tên như hiện nay, lệ châu Trường Yên, thuộc phủ Kiến Bình. Đời Lê Quang Thuận đổi lệ bản phủ; bản triều cũng theo như thế. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1831), do phân phủ kiêm lý. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), bỏ phân phủ, lại đặt tri huyện. Nguyên trước có 8 tổng, năm Minh Mệnh thứ 19 (1837), trích lấy tổng Thần Phù thuộc Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào huyện này”

  Đời nhà Trần gọi huyện Yên Mô là Mô Độ. Tại đây, con cháu nhà Trần là Trần Ngỗ và Trần quý Khoáng dựng cờ tụ nghĩa, xưng đế, lập nên nhà Hậu Trần, lấy Mô Độ (Đò Mô) làm căn cứ địa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược vào đầu thế kỷ XV. Sau khi nhà Minh dẹp được cuộc khởi nghĩa của vua tôi Hậu Trần, chúng cho đổi vùng đất Mô Độ thành huyện Yên Mô (An Mô), (ngụ ý vùng Mô Độ đã dẹp yên), vào khoảng năm 1407 – 1408, địa danh Yên Mô có từ đây, thuộc châu Trường Yên, phủ Kiến Bình.“Thời thuộc Minh đổi tên như hiện nay, sau gộp vào Yên Ninh (Yên Khánh), lệ thuộc vào phủ Kiến Bình. Đến Lê hưng nghiệp lại khôi phục làm huyện, lệ thuộc vào bản phủ” “Nguyễn Tử Mẫn” (1810-1901).

  Theo “Đại Nam nhất thống chí”, đất huyện Yên Mô lúc bấy giờ bao gồm toàn bộ đất Yên Mô, đất thị xã Tam Điệp (đến năm 2004) và một phần đất phía tây huyện Yên Khánh (2004) gồm các xã Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Ninh, Khánh Vân, phía nam đến địa phận xã Lai Thành, huyện Kim Sơn (2004), phía bắc đến các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Vân, huyện Hoa Lư (2004).

  Dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460 – 1469), Yên Mô thuộc phủ Trường Yên, sau đổi là phủ Yên Khánh. Đầu đời Gia Long (1802 – 1819) vẫn gọi là huyện Yên Mô như tê gọi triều Lê. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1832), do phân phủ kiêm lý. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) bỏ phân phủ, đặt tri huyện. Nguyên trước có 8 tổng, năm Minh Mệnh thứ 19 (1938), trích lấy tổng Thần Phù, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cho lệ vào huyện Yên Mô. Dưới thời Đồng Khánh, huyện Yên Mô có tất cả 9 tổng, 72 xã thôn.

  Theo tài liệu của Thiếu tướng người Pháp là MuNier thì năm 1887, huyện Yên Mô có 9 tổng, 68 làng, xã. 9 tổng, gồm: Tổng Yên Mô (10 làng xã); Tổng Yên Vân (4 làng xã); Tổng Quảng Phúc (6 làng xã); Tổng Thổ Mật (6 làng xã); Tổng Đàm Khánh (11 làng, xã); Tổng Lận Khê (7 làng, xã); Tổng Nộn Khê (6 làng xã); Tổng Thần Phù (8 làng xã).

Từ sau Cách mạng tháng Tám, tên huyện Yên Mô vẫn được giữ nguyên như trước. Song, trong khoảng thời gian này, huyện Yên Mô có những thay đổi lớn về địa giới hành chính và tổ chức các đơn vị hành chính. Cụ thể:

Năm 1961, thực hiện Quyết định số 66/CP ngày 17/5/1961 của Hội đồng Chính phủ, xã Yên Lạc của huyện Yên Mô được sáp nhập vào huyện Yên Khánh và đổi thành xã Khánh Hồng; 3 xã: Khánh Dương, Khánh Thịnh, Khánh Thượng của huyện Yên Khánh được sáp nhập vào huyện Yên Mô.

Năm 1967, thành lập thị trấn nông trường Đồng Giao trực thuộc huyện Yên Mô theo Quyết định số 27-NV ngày 28/01/1967 của Bộ Nội vụ.

Ngày 23/02/1974, Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 15-BT thành lập thị trấn Tam Điệp trực thuộc tỉnh Ninh Bình và giải thể thị trấn nông trường Đồng Giao thuộc huyện Yên Mô.

Năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ hai, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình được hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh, huyện Yên Mô thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.

Năm 1977, Phủ Thủ tướng ban hành Quyết định số 617-VP18 ngày 23/02/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 125-CP ngày 27/4/1977, theo đó:

- Hợp nhất và điều chỉnh địa giới của một số xã: sáp nhập thôn Liên Phương của xã Yên Từ vào xã Yên Nhân; sáp nhập thôn Bình Minh của xã Yên Từ vào xã Yên Phong; sáp nhập thôn Hưng Hiền của xã Yên Phú vào xóm Trại Lão của xã Yên Thành vào xã Yên Mỹ; sáp nhập xóm Đông Thôn của xã Yên Thái vào xã Yên Lâm; sáp nhập xóm Giang Khương của xã Yên Thái vào xã Yên Thành; sáp nhập thôn Lam Sơn của xã Yên Hòa vào xã Khánh Thượng.

- Hợp nhất huyện Yên Mô, 10 xã của huyện Yên Khánh: Khánh Ninh, Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Tiên, Khánh Thiện, Khánh Lợi, Khánh An, Khánh Hòa, Khánh Phú, Khánh Văn và thị trấn Tam Điệp thành một huyện lấy tên là huyện Tam Điệp.

Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 196-HĐBT ngày 14/12/1982 và Quyết định số 200-HĐBT ngày 17/12/1982, theo đó:

- Tách các thôn Mai Thôn, Bình Sơn của xã Yên Bình để sáp nhập vào xã Khánh Thượng.

- Thành lập thị xã Tam Điệp. Thị xã Tam Điệp gồm thị trấn Tam Điệp, các xã Yên Bình, Yên Sơn của huyện Tam Điệp cắt sang.

Năm 1992, thực hiện tái lập tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 10, huyện Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình.

Năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 88-CP ngày 23/11/1993, theo đó thực hiện chia tách một số xã thuộc huyện Tam Điệp.

Năm 1994, sáp nhập thôn Đông Thôn thuộc xã Yên Lâm vào xã Yên Thái và đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô. Huyện Yên Mô gồm các xã: Yên Phú, Yên Mỹ, Yên Thái, Yên Lâm, Yên Thắng, Yên Tứ, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Mạc, Yên Thành, Yên Phong, Yên Hoà, Khánh Thịnh, Khánh Thượng, Khánh Dương theo Nghị định số 59-CP ngày 04/07/1994 của Chính phủ.

Năm 1997, thực hiện Nghị định số 61/CP ngày 07/6/1997 của Chính phủ thị trấn Yên Thịnh được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên của xã Yên Phú và xã Khánh Thịnh.

Năm 2000, điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã thuộc huyện Yên Mô theo Nghị định số 29/2000/NĐ-CP ngày 04/8/2000 của Chính phủ.

Năm 2012, điều chỉnh địa giới hành chính xã để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Yên Thịnh theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 28/11/2012 của Chính phủ

Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính. Đến nay, huyện Yên Mô có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Ghi nhận kết quả, thành tích đạt được của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền, huyện Yên Mô vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước:

- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2001;

- Huân chương Độc lập hạng Ba, năm 2014;

- Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2009;

- Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2004;

- Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2021;

- Cờ thi đua của Chính phủ, năm 2011.

Những tài liệu sau phần nào thể hiện được sự thay đổi về địa giới hành chính và sự phát triển của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH

Liên kết website
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
162787

Trực tuyến: 31

Hôm nay: 284