Trung tâm lưu trữ lịch sử
Chủ Nhật, 19/05/2024
Chào mừng đến với Website của Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.

Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh

Thứ ba, 16/04/2024 233 lượt xem

Sáng 12/4/2024, Toạ đàm “Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế tổ chức tại Khách sạn Saigon Morin.

Buổi Toạ đàm đã thu hút đông đảo sự tham dự trực tiếp, trực tuyến từ các Trung tâm Lưu trữ lịch sử các tỉnh; Các cơ quan văn hoá, bảo tàng, di tích; Các cá nhân, gia đình, dòng họ đang lưu giữ nhiều tư liệu quý và nhiều phóng viên đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông.

Chủ toạ điều hành Toạ đàm bao gồm: ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhấn mạnh: “Bảo quản tài liệu là một nghiệp vụ quan trọng, có bảo quản tốt mới có thể phát huy tốt giá trị tài liệu. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, công tác bảo quản tài liệu cần xây dựng chiến lược phù hợp bám sát với tình hình thực tiễn, việc đầu tư đúng mức vào trang thiết bị, vật liệu và nhân lực có trình độ nên được lưu tâm”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh công tác bảo quản tài liệu mong muốn sẽ nhận được sự đồng hành, tiếp sức của nhiểu tổ chức, cơ quan, lĩnh vực trong thời gian tới.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu tại Toạ đàm.

Ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế, Đồng ban tổ chức Toạ đàm bày tỏ: “Thật ý nghĩa khi Toạ đàm lần này được phối hợp tổ chức với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tại Thành phố Huế - nơi sản sinh ra di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn. Lĩnh vực nào cũng tồn tại những khó khăn, thuận lợi, Toạ đàm lần này là cơ hội quý báu để các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ địa phương chia sẻ kinh nghiệm đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng”.

 

Ông Phan .Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế phát biểu.

Tham gia chủ toạ điều hành Toạ đàm, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I rất xúc động và vinh dự khi được tham gia chuẩn bị nội dung cuộc Toạ đàm lần này. Bà chia sẻ thêm: “Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức của lãnh đạo, Sở Nội vụ các địa phương, những người làm lưu trữ trong công tác bảo quản tài liệu lưu trữ. Cùng với đó là lắng nghe những nguyện vọng, mong muốn của các Trung tâm Lưu trữ địa phương, các cá nhân, dòng họ để có thể trao đổi, hỏi đáp về khả năng hợp tác, hỗ trợ hướng dẫn công tác bảo quản tài liệu, tư liệu”.

 

Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phát biểu.

Toạ đàm diễn ra trong hai phiên, tập trung thảo luận nhiều vấn đề về thực trạng thuận lợi và khó khăn trong việc bảo quản tài liệu, tư liệu tại các khu vực lưu trữ quốc gia, lưu trữ lịch sử địa phương và các cá nhân, gia đình, dòng họ.

Các đại biểu nhận định công tác bảo quản, phục chế tài liệu đang còn nhiều thách thức do tác động của thời gian, chiến tranh, thời tiết khí hậu… Phần lớn tài liệu bị hư hỏng ở các dạng như ố vàng, rách, mủn, tàn mờ. Các bản đồ, bản vẽ bị rách, hư hỏng không thể mở ra để đọc được. Đặc biệt, mộc bản triều Nguyễn xuống cấp do sự “lão hóa” tự thân của nó; điều kiện cơ sở vật chất bảo quản kém và sự thờ ơ, vô tâm của con người.

Bên cạnh 10 tham luận được trình bày, các đại biểu cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra giải pháp đồng thời trao đổi, hỏi đáp về khả năng hợp tác, hỗ trợ công tác bảo quản, tu bổ tài liệu trong thời gian tới.

Một số giải pháp được đưa ra như sử dụng hộp, bìa, cặp chất liệu giấy, vải, phi axit để bảo quản tài liệu; lắp đặt hệ thống camera, phòng cháy, chữa cháy, ngăn chặn côn trùng và điều hòa (nhiệt độ 18-22 độ C, độ ẩm 45-55%) trong kho bảo quản. Các sắc phong nên được bọc bằng giấy dó, bỏ trong ống tre, giấy bằng chất liệu phi axit kèm gói chống ẩm hoặc đặt trên các giá, tủ chuyên dụng. Cần kiểm tra định kỳ, vệ sinh tư liệu kịp thời, tránh tình trạng hư hỏng, mục nát..

Một số hình ảnh về Tọa đàm:

Bà Luyện Thị Thu Thuỷ, Chuyên viên chính, Phòng Quản lý Văn thư Lưu trữ I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trình bày tham luận về Bảo quản tài liệu lưu trữ trong bối cảnh chuyển đổi số .

 

Ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ trình bày tham luận về Bảo quản, phục chế tài liệu lưu trữ để kí ức luôn hồi sinh.

 

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trình bày tham luận về Mộc bản triều Nguyễn - Những nỗ lực bảo tồn.

 

Ông Phạm Xuân Phượng - Nguyên Chủ trì, Chủ nhiệm chương trình hợp tác và đề tài nghiên cứu khoa học sưu tầm, số hoá tài liệu Hán - Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế.

 

Ông Trương Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang tham gia trao đổi về sự cấp thiết của việc phục chế tài liệu tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang.

 

 Ông Hồ Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình tham gia trao đổi về tầm quan trọng của công tác bảo quản, tu bổ phục chế tài liệu tại địa phương, góc nhìn từ Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình.

 

Đại biểu và khách mời xem phim "Để ký ức luôn hồi sinh”.

 

Đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Nguồn: https://luutru.gov.vn/

Liên kết website
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
90074

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 103