Trung tâm lưu trữ lịch sử
Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng đến với Website của Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.
Phông Ủy ban hành chính tỉnh

I. LỊCH SỬ ĐƠN VỊ HÌNH THÀNH PHÔNG

1. Bối cảnh lịch sử, thời gian thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình.

1.1. Bối cảnh lịch sử.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1.2. Thời gian hình thành.

Ngày 22 tháng 11 năm 1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 63/SL thành lập chính quyền nhân dân các địa phương. Theo Điều thư 1 của Sắc lệnh này: Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan đó là Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính. Ủy ban hành chính tỉnh do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ”. Chiểu theo Sắc lệnh số 63/SL, Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình (viết tắt là UBHC) ra đời và đi vào hoạt động.

1.3. Cách tổ chức, quyền hạn và phân công, cách làm việc của UBHC tỉnh.

a) Cách tổ chức UBHC cấp tỉnh. Thực hiện theo Tiết thứ 5 (từ Điều 41 đến Điều 51) Chương thứ nhất, Sắc lệnh số 63/SL;

b) Quyền hạn và phân công của UBHC cấp tỉnh. Thực hiện theo Tiết thứ 5 (Điều 88 đến Điều 89) Chương thứ hai, Sắc lệnh số 63/SL;

c) Cách làm việc của UBHC cấp tỉnh. Thực hiện theo Tiết thứ 3, Chương 3, Sắc lệnh số 63/SL.

2. Những thay đổi về tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBHC cấp tỉnh. Cụ thể:

2.1. Sắc lệnh số 91-SL ngày 01 tháng 10 năm 1947 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc hợp nhất Ủy ban kháng chiến (UBKC) và Ủy ban hành chính (UBHC) thành Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính (UBKCKHC) tỉnh.

 Cụ thể, theo Điều 1: “Trong thời kỳ kháng chiến tại các cấp tỉnh, huyện, phủ hay châu, xã, Uỷ ban kháng chiến và Uỷ ban hành chính nay hợp lại thành Uỷ ban kháng chiến kiêm hành chính” (viết tắt là UBKCKHC).

2.2. Sắc lệnh số 149/SL ngày 29 tháng 3 năm 1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh về việc đổi tên gọi của UBKCKHC:

Theo Điều 1. “Trong danh từ Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính từ nay bỏ chữ “kiêm”. Các Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính cũ từ nay lấy tên là Ủy ban kháng chiến hành chính” (viết tắt là UBKCHC).

2.3. Sắc lệnh số 254-SL ngày 19 tháng 11 năm 1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh Chính quyền nhân dân địa phương.

Theo Điều 1 của Sắc lệnh “Trong thời kỳ kháng chiến, chính quyền nhân dân địa phương tổ chức như sau này:”, Điều 2 “Chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC)”.

Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn, Cách làm việc của UBKCHC tỉnh thực hiện như sau:

a) Thành phần của UBKCHC tỉnh. Thực hiện theo Điều 33 đến Điều 35, Mục 1, Tiết 2, Chương 2 của Sắc lệnh số 254-SL.

b) Nhiệm vụ và quyền hạn của UBKCHC tỉnh. Thực hiện theo Điều 36 đến Điều 46, Mục 2, Tiết 2, Chương 2 của Sắc lệnh số 254-SL.

c) Cách làm việc và phân công của UBKCHC tỉnh. Thực hiện theo Điều 47, Mục 2, Tiết 2, Chương 2 của Sắc lệnh số 254-SL.

Trong giai đoạn (1945 – 1958) các cơ quan chuyên môn, giúp việc cho UBHC, UBKC, UBKCKHC, UBKCHC gồm có Văn phòng Ủy ban, các phòng, ban, ty thuộc, trực thuộc các Ủy ban tỉnh trên.

2.4. Luật số 110/SL/L011 ngày 31 tháng 5 năm 1958 của Quốc hội ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương ở cấp tỉnh có Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) và Ủy ban hành chính tỉnh (UBHC).

a) Về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc của UBHC thực hiện từ Điều 23 đến Điều 35, Luật số 110/SL/L011.

b) Các cơ quan chuyên môn ở chính quyền địa phương và quan hệ giữa UBHC với cơ quan đó thực hiện từ Điều 36 đến Điều 41, Luật số 110/SL/L011.

 Các cơ quan chuyên môn, giúp việc cho UBHC tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1958 – 1962) gồm có Văn phòng Ủy ban, các phòng, ban, ty thuộc, trực thuộc các UBHC tỉnh.

 Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc theo quy định mới của Luật, UBHC tỉnh ban hành các quyết định tách, thành lập các cơ quan chuyên môn cho phù hợp với yêu cầu:

- Quyết định số 210/TCCB ngày 24 tháng 01 năm 1959 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Địa chính tỉnh Ninh Bình đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của UBHC tỉnh.

- Quyết định số 524/TCCB ngày 26 tháng 3 năm 1959 của UBHC tỉnh Ninh Bình tách Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Bình để chuyển về với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh kể từ ngày 25 tháng 3 năm 1959 cho đúng với nhiệm vụ và tính chất công tác.

- Quyết định số 595/TCCB ngày 06 tháng 4 năm 1959 của UBHC tỉnh Ninh Bình tách Phòng Kiến trúc trực thuộc Ty Thủy lợi Ninh Bình thành lập Phòng Kiến trúc trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 2198/TCCB ngày 06 tháng 10 năm 1959 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Kỹ thuật của tỉnh.

- Quyết định số 2542/TCCB ngày 13 tháng 11 năm 1959 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Việt kiều trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 2999/TCCB ngày 10 tháng 12 năm 1959 của UBHC tỉnh Ninh Bình tách Bộ phận Công tố ra ngoài Tòa án nhân dân tỉnh; thành lập Viện Công tố tỉnh Ninh Bình.

- Quyết định số 487/TCCB ngày 04 tháng 3 năm 1960 của UBHC tỉnh Ninh Bình tách Ty Nông – Lâm ra làm hai Ty. Ty Nông nghiệp và Ty Lâm nghiệp tỉnh Ninh Bình.

- Quyết định số 755/TCCB ngày 09 tháng 4 năm 1960 của UBHC tỉnh Ninh Bình tạm thời thành lập Ty Kiến trúc Ninh Bình.

- Quyết định số 425/TCCB ngày 22 tháng 6 năm 1961 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ty Thủy sản tỉnh Ninh Bình.

- Quyết định số 424/TCCB ngày 25 tháng 6 năm 1961 của UBHC tỉnh Ninh Bình tách Công ty Lương thực khỏi Ty Thương nghiệp và thành lập Ty Lương thực trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 510/TCCB ngày 29 tháng 8 năm 1961 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Dân chính trực thuộc UBHC tỉnh kể từ tháng 9 năm 1961.

2.5. Luật số 51/LCT ngày 10 tháng 11 năm 1962 của Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp.

UBHC do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, đồng thời là cơ quan hành chính của nhà nước ở địa phương. Nhiệm kỳ của UBHC cấp nào theo nhiệm kỳ của HĐND cấp ấy. Khi HĐND hết nhiệm kỳ hoặc giải tán, UBHC tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi HĐND mới bầu ra UBHC mới. UBHC chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với HĐND cấp mình và với cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp.

a) Nhiệm vụ và quyền hạn của UBHC tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện theo Điều 44, Luật số 51/LCT.

b) Tổ chức và chế độ làm việc của UBHC thực hiện theo Điều 51 đến Điều 54, Luật số 51/LCT.

c) Các cơ quan chuyên môn thuộc UBHC thực hiện theo Điều 55, Điều 56, Luật số 51/LCT.

Các cơ quan chuyên môn, giúp việc cho UBHC tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1962 – 1975) gồm có Văn phòng Ủy ban, các phòng, ban, ty thuộc, trực thuộc UBHC tỉnh.

Để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức và chế độ làm việc theo quy định của Luật, UBHC tỉnh Ninh Bình ban hành các quyết định sáp nhập, thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc, trực thuộc UBHC cho phù hợp:

- Quyết định số 629/QĐ-UB ngày 27 tháng 5 năm 1964 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Thi đua tỉnh.

- Quyết định số 631/QĐ-UB ngày 27 tháng 5 năm 1964 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Kiến thiết cơ bản trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 659/QĐ-UB ngày 27 tháng 5 năm 1964 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Hợp tác hóa và sản xuất đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của UBHC tỉnh.

- Quyết định số 1147/QĐ-UB ngày 09 tháng 11 năm 1966 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Tài chính thương nghiệp trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 365/QĐ-UB ngày 21 tháng 3 năm 1967 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Nông trường trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 362/QĐ-UB ngày 24 tháng 3 năm 1967 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Vật giá thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 680/QĐ-UB ngày 08 tháng 8 năm 1969 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Quy hoạch tỉnh.

- Quyết định số 747/QĐ-UB ngày 22 tháng 8 năm 1969 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Lương của  tỉnh.

- Quyết định số 982/QĐ-UB ngày 14 tháng 10 năm 1969 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Phòng Đại học và THCN thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 28/QĐ-UB ngày 11 tháng 01 năm 1970 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Chỉ đạo Trồng mầu trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 71/QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 1971 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ủy ban Thanh tra tỉnh.

- Quyết định số 491/QĐ-UB ngày 10 tháng 7 năm 1971 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ủy ban Nông nghiệp tỉnh trên cơ sở sáp nhập Ty Nông nghiệp, Phòng Nông trường, Ban Quản lý HTX nông nghiệp và các bộ phận thủy nông trong Ty Thủy lợi, bộ phận nuôi cá của Ty Thủy sản.

- Quyết định số 480/QĐ-UB ngày 08 tháng 10 năm 1971 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ủy ban Bảo vệ bà  mẹ và trẻ em trực thuộc UBHC tỉnh.

- Quyết định số 907/QĐ-UB ngày 21 tháng 12 năm 1972 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Chi cục tiết kiệm xã hội chủ nghĩa tỉnh Ninh Bình và các quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa các huyện, thị.

- Quyết định số 371/QĐ-UB ngày 02 tháng 7 năm 1973 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ty xây dựng tỉnh Ninh Bình trên cơ sở hợp nhất Ban Kiến thiết cơ bản và Ty Kiến trúc làm một.

- Quyết định số 755/QĐ-UB ngày 04 tháng 12 năm 1975 của UBHC tỉnh Ninh Bình thành lập Ban Nhà cửa và tài sản của tỉnh Ninh Bình.

II. LỊCH SỬ PHÔNG

  1. Giới hạn thời gian của tài liệu

Tài liệu thuộc Phông UBHC tỉnh được hình thành trong quá trình hoạt động của UBHCKC tỉnh Ninh Bình, UBHC tỉnh Ninh Bình từ năm 1945 đến 1975.

Hiện tại, Lưu trữ lịch sử tỉnh mới thu thập, đang bảo quản tài liệu Phông UBHC tỉnh Ninh Bình từ năm 1954 đến năm 1975.

2. Khối lượng tài liệu

2.1. Tài liệu hành chính (bao gồm cả bản đồ kèm theo hồ sơ):

a) Tổng số hộp (cặp): 403 hộp;

b) Tổng số hồ sơ (đơn vị bảo quản): 2687 hồ sơ;

c) Quy ra mét giá: 50,4 mét.

2.2. Tài liệu khác. Không

3. Thành phần và nội dung của tài liệu

3.1. Thành phần tài liệu

a) Tài liệu hành chính bao gồm những loại văn bản, giấy tờ chủ yếu:

- Tài liệu của Trung ương, gồm: Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, Quyết định, Báo cáo, Thông báo, Công văn, Kế hoạch, Điện, Đề án, …của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, Hội đồng Chính phủ, Phủ Thủ tướng, Thủ tướng phủ, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Việt Nam, Ủy ban hành chính liên khu III; các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban kháng chiến liên khu III…;

- Tài liệu của địa phương, gồm: Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Báo cáo, Thông báo, Công văn, Kế hoạch, Điện, Đề án, Biên bản, Tờ trình, … của Tỉnh Đảng bộ (Đảng bộ Lao động), Ủy ban kháng chiến tỉnh, Ủy ban hành chính tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các Ty, Ủy ban, Ban, Chi sở, Viện, Tòa án; Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính các huyện, thị xã; các xã, thị trấn của tỉnh…

b) Tài liệu khác: Tài liệu khoa học kỹ thuật (bản đồ địa giới hành chính, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật, đồ án,..). bản đồ, bản vẽ địa giới hành chính.

3.2. Nội dung của tài liệu.

a) Nội dung của tài liệu:

- Những vấn đề về tài chính cấp bách liên quan đến thực hiện kế hoạch nhà nước, giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước, tăng cường quản lý kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; tổng hợp chi tiêu trung ương, địa phương; nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác năm; kế hoạch khôi phục phát triển kinh tế;

- Công tác văn hóa, giáo, dục, y tế, công tác vệ sinh phòng bênh, chữa bệnh, các phong trào thể dục thể thao, vận động đi học bình dân học vụ, phát triển văn hóa giáo dục y tế, thể dục thể thao; công tác văn hóa thông tin tuyên truyền, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, cứu tế, trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công nhân viên chức của tỉnh; trợ cấp cho các gia đình liệt sỹ, quân nhân từ trần và mất tích …;

- Công tác bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; công tác tổ chức, bộ máy, thành lập, giải thể, sáp nhập; công tác cán bộ, tuyển dụng, đề bạt, điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển, biệt phái, kỷ luật cán bộ, đào tạo cán bộ, tuyển sinh, tuyển dụng, hưu trí; công tác thi đua khen thưởng, đẩy mạnh các phong trào thi đua “cần kiệm, liêm chính, xây dựng chủ nghĩa xã hội, …;

- Công tác an ninh trật tự, đưa các đối tượng đi tập trung, giáo dục, cải tạo; công tác quốc phòng, tuyển quân; giải quyết đơn thư, khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo;

- Phân bổ kế hoạch, chỉ tiểu lao động; quản lý, bảo vệ, sử dụng, cải tạo ruộng đất; tu bổ đê điều, xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy, xí nghiệp, địa điểm xây dựng trụ sở các cơ quan, đơn vị; mua sắm tài sản, phương tiện vận tải phục vụ công tác; thu mua thịt lợi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; công tác phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mậu dịch quốc doanh, công trình kiến trúc cơ bản; điều tra thống kệ, báo cáo thống kê định kỳ; …

b) Tài liệu phông UBHC tỉnh được chia theo các khối:

Khối Tổng hợp, Khối Nội chính, Khối Công nghiệp xây dựng cơ bản, Khối Nông nghiệp, Khối Tài mậu và Khối Văn xã.

4. Tình trạng của tài liệu đưa ra chỉnh lý.

4.1. Tình hình thu thập, giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử:

Tài liệu được sản sinh ra trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, các cơ quan, tổ chức phải di chuyển địa điểm làm việc nhiều nơi, phương tiện, trang thiết bị bảo quản không đảm bảo, … nên tài liệu bị thất lạc tương đối nhiều;

Tài liệu đang được quản lý, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.

4.2. Mức độ thiếu, đủ của phông tài liệu: Tài liệu không đầy đủ.

4.3. Mức độ xử lý về nghiệp vụ: Đã được chỉnh lý hoàn chỉnh

4.4. Tình trạng vật lý của phông: Tài liệu xuống cấp, mối mọt, giòn, mủn, rách. Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đã, đang xử lý nghiệp vụ bảo quản, vệ sinh, khử trùng, nấm mốc, mối mọt; tu bổ, bồi nền, số hóa theo quy định.

5. Công cụ thống kê, tra cứu

5.1. Phông UBHC tỉnh có đầy đủ Mục lục hồ sơ, Mục lục văn bản theo quy định được thống kê bằng file Excel.

5.2. Độc giả có thể tra cứu thông tin về số hiệu, ngày ban hành, trích yếu nội dung văn ban, hồ sơ trên Wedsite của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tại địa chỉ: https://luutru.ninhbinh.gov.vn

 LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH

Liên kết website
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
173569

Trực tuyến: 24

Hôm nay: 407