.jpg)
I. LỊCH SỬ ĐƠN VỊ HÌNH THÀNH PHÔNG
1. Bối cảnh lịch sử, thời gian thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
1.1. Bối cảnh lịch sử và thời gian hình thành
Tam Điệp là thành phố của tỉnh Ninh Bình. Nằm ở vị trí phía Tây Nam của tỉnh, trên trục Quốc lộ 1A, cách Thủ đô Hà Nội 105 km về phía Nam, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12 km. Diện tích tự nhiên là 105,01 km2; phía Đông giáp huyện Yên Mô, phía Tây giáp huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình và huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, phía Nam giáp thị xã Bỉm Sơn tỉnh Thanh Hóa. Tam Điệp là nơi hội tụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền, nơi cự tụ Nhân dân gần 50 tỉnh thành trong cả nước, với số dân hiện nay là trên 73.000 người. Đại bộ phận dân cư là dân tộc Kinh, một số ít là dân tộc Mường sinh sống ở xã Yên Sơn; có hai tôn giáo là Phật giáo và Công giáo.
Thị trấn Tam Điệp được thành lập ngày 23/2/1974 trên cơ sở Thị trấn nông trường Đồng Giao thuộc huyện Yên Mô và nông trường Tam Điệp. Ngày 27/4/1977, Thị trấn Tam Điệp trở thành huyện lị huyện Tam Điệp được thành lập do sáp nhập huyện Yên Mô và 10 xã của huyện Yên Khánh. Đây là bước phát triển mới của vùng đất Tam Điệp lịch sử.
Thị trấn Tam Điệp ngày một phát triển toàn diện và mạnh mẽ. Do đòi hỏi khách quan, ngày 17/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 200/1982/QĐ- HĐBT về thành lập thị xã Tam Điệp trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh, gồm có 07 đơn vị hành chính (phường Trung Sơn, phường Bắc Sơn, phường Nam Sơn; xã Đông Sơn, xã Quang Sơn, xã Yên Sơn và xã Yên Bình) trên cơ sở sát nhập toàn bộ diện tích tự nhiên thị trấn Tam Điệp, xã Yên Bình, xã Yên Sơn, Hợp tác xã Mùa Thu và Hợp tác xã Quang Sỏi tách từ huyện Tam Điệp.
Thành phố Tam Điệp có hệ thống giao thông thuận lợi, vừa là nơi đón nhận, vừa là nơi trung chuyển, cũng là nơi giữ vai trò cửa ngõ bốn phương, ra đồng bằng Bắc Bộ, vào lãnh thổ miền Trung; lên núi rừng Tây Bắc hay xuống Biển Đông thông qua Quốc lộ 1A chạy qua trung tâm Thành phố với tổng chiều dài khoảng 11 km; Quốc lộ 12B dài 7,1km đi Nho Quan - Hòa Bình; tuyến đường sắt Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 11 km (có 2 nhà ga để vận chuyển hành khách - hàng hóa là ga Gềnh và ga Đồng Giao), và tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua thành phố dài trên 11 km và một số tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ khác.
Thành phố có trữ lượng đá vôi lớn rất tốt cho công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, diện tích lớn đất Feralit đỏ, vàng thích hợp trồng cây công nghiệp và ăn quả. Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất (tháng 01/1984) đã xác định cơ cấu kinh tế là công- nông- lâm nghiệp, đồng thời mở rộng thương mại - dịch vụ.
1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
1.2.1 Nhiệm vụ, quyền hạn
- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.
- Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.
- Tổ chức thực hiện ngân sách thành phố; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng điểm dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
- Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân thành phố.
1.2.2 Cơ cấu tổ chức
- Ủy ban nhân dân thành phố gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban nhân dân thành phố có không quá hai Phó Chủ tịch. Ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố gồm có các phòng và cơ quan tương đương phòng, cụ thể: Văn phòng HĐND và UBND thành phố; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch; Phòng Nội vụ; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Kinh tế; Phòng Văn hóa và Thông tin; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra thành phố; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, ghi nhận kết quả phấn đấu và thành tích đạt được, UBND thành phố Tam Điệp đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý:
- Huân chương lao động hạng Nhất năm 2007;
- Huân chương lao động hạng Nhì năm 2002;
- Huân chương lao động hạng Ba năm 2012 và năm 2019;
- Cờ thi đua Chính phủ năm 2015 và năm 2023.
Nhiều năm liền được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được UBND tỉnh tặng bằng khen.
2. Những thay đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị hình thành phông; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị trực thuộc.
Ngày 09/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường Bắc Sơn, phường Nam Sơn, xã Yên Bình, xã Quang Sơn để thành lập 02 phường mới, phường Tân Bình và phường Tây Sơn thuộc thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Tam Điệp gồm 9 đơn vị hành chính: 5 phường (Trung Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn, Tây Sơn, Tân Bình) và 4 xã (Đông Sơn, Quang Sơn, Yên Sơn, Yên Bình).
Ngày 31/7/2012, Bộ xây dựng đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Tam Điệp là Đô thị loại III trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Ngày 10/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 904/NQ-UBTVQH13 về việc thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành lập thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Thành phố Tam Điệp gồm có 09 đơn vị hành chính, 06 phường (Trung Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn, Tây Sơn, Tân Bình, Yên Bình) và 03 xã (Đông Sơn, Quang Sơn, Yên Sơn).
II. LỊCH SỬ PHÔNG
1. Giới hạn thời gian của tài liệu
Tài liệu thuộc khối Nội vụ và khối Quản lý đô thị của Phông lưu trữ UBND thành phố Tam Điệp có thời gian từ năm 1987 đến năm 2022 được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan từ khi được thành lập đến nay. Hiện tại, Lưu trữ lịch sử tỉnh mới thu thập và đang bảo quản Khối tài liệu phòng Quản lý đô thị thành phố Tam Điệp năm 2006 và Khối tài liệu phòng Nội vụ thành phố Tam Điệp từ năm 1987 đến năm 2022.
2. Khối lượng tài liệu:
2.1. Tài liệu Phòng Nội vụ thành phố
- Tổng số hộp (cặp): 20 hộp.
- Tổng số hồ sơ (đơn vị bảo quản): 227 hồ sơ.
- Quy ra mét giá: 2,5 mét.
2.2. Tài liệu Phòng Quản lý đô thị thành phố
- Tổng số hộp (cặp): 06 hộp.
- Tổng số hồ sơ (đơn vị bảo quản : 24 hồ sơ.
- Quy ra mét giá: 0,8 mét.
2.3. Tài liệu khác: Không.
3. Thành phần và nội dung của tài liệu
3.1. Thành phần và nội dung của tài liệu phông Phòng Nội vụ thành phố
- Thành phần tài liệu: Toàn bộ là tài liệu hành chính bao gồm văn bản do Phòng Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và văn bản của các cơ quan, đơn vị khác gửi đến liên quan tới các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ giải quyết của phòng Nội vụ.
- Nội dung của tài liệu, nêu cụ thể:
+ Tài liệu về công tác bầu cử.
+ Tài liệu về công tác xây dựng chính quyền.
+ Tài liệu về công tác thi đua, khen thưởng.
+ Tài liệu về công tác tổ chức bộ máy; quản lý biên chế.
+ Tài liệu về công tác văn thư - lưu trữ.
- Tài liệu khác (tài liệu kỹ thuật, phim ảnh, ghi âm...): Không.
3.2. Thành phần và nội dung của tài liệu phông Phòng Quản lý đô thị thành phố
Toàn bộ là tài liệu hành chính bao gồm văn bản do Phòng Quản lý đô thị tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành về các bản đồ quy hoạch liên quan đến Công trình Khu đô thị mới Yên Bình tỷ lệ 1/500 xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp.
3.3. Tài liệu khác (tài liệu kỹ thuật, phim ảnh, ghi âm...): Không.
4. Tình trạng của phông hoặc khối tài liệu
4.1. Tình hình thu thập tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử: Công tác thu thập vào Lưu trữ cơ quan vào giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử được thực hiện theo quy định.
4.2. Mức độ thiếu đủ của phông hoặc khối tài liệu: Cần thu thập bổ sung vào khối tài liệu phòng Quản lý đô thị thành phố kể từ khi thành lập và Khối tài liệu thuộc phòng phòng Nội vụ từ năm 2023 đến nay.
4.3. Mức độ xử lý về nghiệp vụ: Tài liệu đã được chỉnh lý theo đúng quy định.
4.4. Tình trạng vật lý của Phông: Tốt.
5. Công cụ thống kê, tra cứu
5.1. Phông UBND thành phố Tam Điệp có đầy đủ Mục lục hồ sơ, Mục lục văn bản theo quy định được thống kê bằng file Excel.
5.2. Độc giả có thể tra cứu thông tin về số hiệu, ngày ban hành, trích yếu nội dung văn ban, hồ sơ trên Website của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tại địa chỉ: https://luutru.ninhbinh.gov.vn/
LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH
Trực tuyến: 35
Hôm nay: 465