.jpg)
I. LỊCH SỬ ĐƠN VỊ HÌNH THÀNH PHÔNG
1. Bối cảnh lịch sử, thời gian thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
1.1. Bối cảnh lịch sử và thời gian hình thành
Huyện Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình được hình thành từ rất sớm. Theo kết quả khảo cổ, vùng đất cổ Yên Mô đã có con người sinh sống cách ngày nay hàng vạn năm. Thời nhà Trần gọi là Mô Độ, thời thuộc Minh (1414-1427) đổi tên Yên Mô, thuộc châu Trường Yên, phủ Kiến Bình. Thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) Yên Mô thuộc phủ Trường Yên. Đầu thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn vẫn gọi là Yên Mô, gồm 8 tổng với 59 xã, thôn, phường, trang, trại. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cắt tổng Thần Phù thuộc huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa về huyện Yên Mô thuộc phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.
Thời thuộc Pháp đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Yên Mô gồm 9 tổng với 65 xã, thôn: Tổng Yên Mô: 10 xã, thôn; Tổng Đàm Khánh (Yên Khánh): 9 xã, thôn; tổng Bạch Liên (Bạch Bát): 9 xã, thôn; Tổng Lạn Khê: 7 xã, thôn; Tổng Quảng Phúc (Bình Quảng): 6 xã, thôn; Tổng Nộn Khê: 6 xã, thôn; Tổng Thổ Mật: 6 xã, thôn; Tổng Thần Phù: 8 xã, thôn; Tổng Yên Vân (An Vân): 4 xã, thôn.
Năm 1948 -1949 hợp nhất các xã quy mô nhỏ thành lập 8 xã quy mô lớn: Yên Sơn, Yên Thắng, Yên Thành, Yên Thái, Yên Mạc, Yên Nhân, Yên Phong, Yên Lạc.
Năm 1956, sau cải cách ruộng đất chia tách 8 xã thành lập 15 xã mới: Yên Sơn, Yên Bình, Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Thành, Yên Đồng, Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Mỹ, Yên Nhân, Yên Từ, Yên Phong, Yên Phú, Yên Lạc. Tháng 5 năm 1961, xã Yên Lạc sáp nhập vào huyện Yên Khánh, ba xã Khánh Dương, Khánh Thịnh, Khánh Thượng thuộc huyện Yên Khánh sáp nhập vào huyện Yên Mô. Huyện Yên Mô thời điểm năm 1961 gồm 17 xã.
Tháng 01 năm 1967 thành lập thị trấn nông trường Đồng Giao, trực thuộc huyện Yên Mô. Tháng 02 năm 1974 giải thể thị trấn nông trường Đồng Giao, thành lập thị trấn Tam Điệp trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Thực hiện quyết định số 125-CP ngày 27/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, 9 xã phía bắc huyện Yên Khánh hợp nhất với huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp thành lập huyện Tam Điệp.
Thực hiện Nghị định số 59/CP ngày 4/7/1994 của Chính phủ về việc đổi tên huyện Tam Điệp thành lập lại huyện Yên Khánh, tách 10 xã (xã Khánh Thiện chia tách thành 2 xã Khánh Thiện và Khánh Tiện) thuộc huyện Yên Khánh trước đây để thành lập lại huyện Yên Khánh, huyện Tam Điệp đổi tên thành huyện Yên Mô (như trước đây), gồm 15 xã. Năm 1997 thành lập thị trấn Yên Thịnh. Năm 2000, tách thôn Hưng Hiền thuộc xã Yên Mỹ, thành lập xã Yên Hưng; tách xã Khánh Thượng thành lập 2 xã Khánh Thượng và Mai Sơn.
Qua nhiều biến đổi về hành chính, đến năm 2005, huyện Yên Mô gồm 17 xã, 1 thị trấn: Yên Thắng, Khánh Thượng, Yên Hòa, Yên Đồng, Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mỹ, Yên Mạc, Yên Nhân, Yên Từ, Yên Phong, Yên Phú, Khánh Thịnh, Khánh Dương, Yên Hưng, Mai Sơn và thị trấn Yên Thịnh, số dân 118.500 người.
1.2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
a) Chức năng, nhiệm vụ
- Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân huyện quyết định các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện.
- Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện.
- Tổ chức thực hiện ngân sách huyện; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng điểm dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, lao động, chính sách xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
- Phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức khác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân huyện.
b) Cơ cấu tổ chức
- Ủy ban nhân dân huyện gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô có không quá hai Phó Chủ tịch. Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
- Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô có 01 Văn phòng HĐND và UBND, 11 phòng chuyên môn (phòng Nội vụ, phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Y tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Tư pháp, phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra huyện) và 05 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm vệ sinh môi trường đô thị, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa - TT và Truyền thanh).
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, ghi nhận kết quả phấn đấu và thành tích đạt được, UBND huyện Yên Mô đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý:
- Huân chương lao động hạng Ba năm 2000; 2021; 2024
- Huân chương lao động hạng Nhì năm 2004;
- Huân chương lao động hạng Nhất năm 2009;
- Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2014;
- Cờ thi đua xuất sắc các năm: 2009, 2011, 2013, 2019, 2021.
Nhiều năm liền được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được UBND tỉnh tặng bằng khen.
II. LỊCH SỬ PHÔNG
1. Giới hạn thời gian của tài liệu
Tài liệu thuộc Phông Ủy ban nhân dân huyện, phòng Nội vụ huyện được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan từ khi được thành lập đến nay. Hiện tại, Lưu trữ lịch sử tỉnh mới thu thập và đang bảo quản Khối tài liệu Ủy ban nhân dân huyện được hình thành từ năm 2011 đến năm 2018 và Khối tài liệu phòng Nội vụ huyện Yên Mô từ năm 2002 đến năm 2016; tài liệu khối ủy ban nhân dân huyện giai đoạn từ năm 2019 đến nay và tài liệu khối Phòng Nội vụ giai đoạn từ năm 2017 đến nay chưa được Lưu trữ lịch sử tỉnh thu thập.
2. Khối lượng tài liệu:
2.1. Tài liệu Ủy ban nhân dân huyện
- Tổng số hộp (cặp): 156 hộp.
- Tổng số hồ sơ (đơn vị bảo quản): 672 hồ sơ.
- Quy ra mét giá: 13,63 mét.
2.2. Tài liệu phòng Nội vụ huyện
- Tổng số hộp (cặp): 30 hộp.
- Tổng số hồ sơ (đơn vị bảo quản : 240 hồ sơ.
2.3. Tài liệu khác (nếu có): Không.
3. Thành phần và nội dung của tài liệu
3.1. Thành phần và nội dung của tài liệu khối Ủy ban nhân dân huyện
- Thành phần tài liệu : Tài liệu Phông Ủy ban nhân dân huyện bao gồm văn bản hành chính do Ủy ban nhân dân huyện và Hội đồng nhân dân huyện ban hành (quyết định, công văn, thông báo, báo cáo, kế hoạch, tờ trình)
- Nội dung tài liệu : Nội dụng văn bản phản ánh đầy đủ, mọi mặt về quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô gồm những nội dung liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tài chính, ngân sách, nội vụ, cải cách tư pháp…
- Tài liệu khác (tài liệu kỹ thuật, phim ảnh, ghi âm …) : Không.
3.2. Thành phần và nội dung của tài liệu phông Phòng Nội vụ huyện Yên Mô.
- Thành phần tài liệu: Toàn bộ là tài liệu hành chính bao gồm văn bản do Phòng tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành và văn bản của các cơ quan, đơn vị khác gửi đến liên quan tới các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ giải quyết của phòng Nội vụ.
- Nội dung của tài liệu, nêu cụ thể:
+ Tài liệu về công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
+ Tài liệu về công tác tôn giáo.
+ Tài liệu về công tác thi đua, khen thưởng.
+ Tài liệu về địa giới hành chính.
+ Tài liệu về phân loại đơn vị hành chính.
+ Tài liệu về chia tách, sáp nhập, thành lập các đơn vị.
4. Tình trạng của phông hoặc khối tài liệu
4.1. Tình hình thu thập tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử: Công tác thu thập vào Lưu trữ cơ quan vào giao nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử được thực hiện theo quy định.
4.2. Mức độ thiếu đủ của phông hoặc khối tài liệu: Cần thu thập bổ sung vào khối tài liệu Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô từ năm 2019 đến này và Khối tài liệu thuộc phòng phòng Nội vụ từ năm 2017 đến nay.
4.3. Mức độ xử lý về nghiệp vụ: Tài liệu đã được chỉnh lý theo đúng quy định.
4.4. Tình trạng vật lý của Phông: Tốt.
5. Công cụ thống kê, tra cứu:
5.1. Phông UBND huyện Yên Mô có đầy đủ Mục lục hồ sơ, Mục lục văn bản theo quy định được thống kê bằng file Excel.
5.2. Độc giả có thể tra cứu thông tin về số hiệu, ngày ban hành, trích yếu nội dung văn ban, hồ sơ trên Website của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tại địa chỉ: https://luutru.ninhbinh.gov.vn/
LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH NINH BÌNH
Trực tuyến: 12
Hôm nay: 402