Chiều 17/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị với thành phần mở rộng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025.
Các đại biểu dự hội nghị.
Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các cơ quan Trung ương theo dõi Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030; lãnh đạo các ban cán sự đảng, đảng đoàn ở tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Tại hội nghị, đồng chí Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng chí Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định: Thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 103,49 km2, quy mô dân số là 83.613 người của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích tự nhiên là 46,75 km2, quy mô dân số là 154.596 người của thành phố Ninh Bình. Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư. Sau khi sắp xếp, thành phố Hoa Lư có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường: Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang và 8 xã: Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình. Theo đó, sau khi sắp xếp, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 1 đơn vị so với trước khi sắp xếp) và 125 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 18 đơn vị), gồm 101 xã, 18 phường và 6 thị trấn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoa Lư và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hoa Lư, Toà án nhân dân thành phố Hoa Lư. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hoa Lư có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoa Lư và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình theo quy định của pháp luật.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục rà soát, thống kê cụ thể số lượng các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025, xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định… Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2025.
Tiếp đó, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã quán triệt Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 1318. Đồng chí nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là yêu cầu khách quan của sự phát triển, rất phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh Ninh Bình. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thời gian qua, các cấp, các ngành đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng theo quy định của Trung ương.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 1318.
Việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 đã bám sát yêu cầu đề ra và phù hợp với thực tiễn, trong đó việc nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao.
Quán triệt Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 1318, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục đích, yêu cầu. Trong đó nêu rõ: Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025. Việc thành lập, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội được tiến hành thống nhất, đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, đảng viên, người dân, cơ quan, doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ; không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số và toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan của cấp uỷ, tổ chức đảng, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp về đơn vị hành chính mới, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh một số yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới liên quan đến công tác thông tin tuyên truyền về Nghị quyết 1318; việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; giải quyết chế độ, chính sách tại các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện việc thống kê, kiểm kê hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bàn giao, tiếp nhận; thu hồi con dấu cũ, đăng ký và sử dụng con dấu mới; việc thực hiện chế độ, chính sách theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu; việc công nhận đơn vị hành chính cấp xã là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, đơn vị hành chính thuộc khu vực biên giới; việc công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, xã an toàn khu; phân loại đơn vị hành chính sau sắp xếp...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn khẳng định: Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Nghị quyết số 1318 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Để thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, sáp nhập để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao khi tổ chức thực hiện. Nắm bắt, phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhất là việc bố trí vị trí việc làm, tinh giản biên chế và việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp, sáp nhập.
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 1318 và các văn bản của tỉnh theo phân công của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đề nghị HĐND, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đối với đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Có phương án sử dụng tài sản của các đơn vị sắp xếp hiệu quả, tránh lãng phí. Chỉ đạo việc sử dụng, bảo quản tài liệu, sổ sách tài chính, kế toán, hồ sơ lưu trữ đúng quy định, không được làm mất, thất lạc tài liệu khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Các địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện công tác sắp xếp, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các nội dung công việc theo Kế hoạch của tỉnh, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, sớm ổn định hoạt động tổ chức. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiến hành giao dịch ở các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; chuyển đổi các loại giấy tờ cho Nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo thẩm quyền. Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ở các địa phương, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương và của tỉnh.
Kịp thời tuyên truyền, nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời có biện pháp xử lý đối với trường hợp vi phạm theo quy định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn về tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, tập trung sức lực, trí tuệ của cả hệ thống chính trị; trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu và sự đồng thuận rất cao của các tầng lớp nhân dân đối với công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để tỉnh tiếp tục phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời phát triển hệ thống đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hoàn thành mục tiêu để thành phố Hoa Lư trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ” và đưa tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, mang đặc trưng của một đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, là trung tâm lớn của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hoá, kinh tế di sản theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/
Trực tuyến: 19
Hôm nay: 442