Sáng 24/3 (tức ngày 15/2 âm lịch), tại Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Viễn tổ chức lễ kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng đế (924-2024)-vị Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt.
Màn sử thi về Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh tại lễ kỷ niệm.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Điến, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực một số Huyện ủy các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Gia Viễn; con em quê hương và người dân địa phương…
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Trước đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dâng hương tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vua Đinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng.
Phát biểu khai mạc tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Viễn nêu rõ: Trong tiến trình lịch sử 11 thế kỷ qua, từng bờ lau, bến nước Gia Viễn đã vẽ lên hình ảnh, dấu chân của biết bao các bậc tiền nhân. Từ Tứ vị Hồng nương thời bà Trưng, bà Triệu, từ Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Quan Thái bảo Trịnh Tú, Thái sư Lưu Cơ của triều đại Đinh Tiên Hoàng đế, từ Lý Quốc sư Nguyễn Minh Không, Quận công Bùi Văn Khuê, Thượng thư Đinh Huy Đạo… cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Viễn phát biểu khai mạc tại lễ kỷ niệm.
Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Viễn rất tự hào khi tổ chức sự kiện quan trọng này, để cùng chứng kiến sự khởi sắc về kinh tế và sự thay da đổi thịt của đời sống người dân Gia Viễn, đồng thời đây còn là dịp để ôn lại sâu sắc hơn về trang sử hào hùng của Nhân dân Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; về vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy ý chí phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo sách Đại Việt sử kí toàn thư và các thần phả, sắc phong, văn bia, ngay từ thế kỷ I, Nhân dân Gia Viễn hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Nhiều thời kỳ, Gia Viễn có các vị tướng tài giỏi, có người lập nên nghiệp đế vương. Nổi bật nhất là thế kỷ thứ X- "thế kỷ bản lề" đánh dấu giai đoạn chuyển giao từ kỷ nguyên bị ách đô hộ của phong kiến phương Bắc sang kỷ nguyên độc lập, tự chủ của đất nước khi Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình.
Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Việc xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu mới Thái Bình, là tuyên ngôn đanh thép của tinh thần độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia, là biểu tượng của ý chí tự lực, tự cường, tự chủ của một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền.
Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển, triều đại nhà Đinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, lưu dấu một giai đoạn lịch sử hào hùng, sáng mãi với tên tuổi của người con quê hương kiệt xuất Đinh Bộ Lĩnh.
Để xứng đáng với công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế, của các bậc tiền nhân, phát huy truyền thống của mảnh đất Gia Viễn…, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vững bước tiến lên, quyết tâm xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp...
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Gia Viễn nói riêng là Vùng đất cổ "địa linh nhân kiệt", luôn là địa bàn chiến lược, có những đóng góp quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mảnh đất thiêng liêng-sinh Vương, sinh Thánh đã sinh ra những anh hùng hào kiệt, chí sĩ, danh nhân có tinh thần yêu nước nồng nàn, đóng góp nhiều công trạng vẻ vang cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, Gia Viễn, Ninh Bình vô cùng tự hào là nơi sinh thành, nuôi dưỡng và cũng là nơi dấy nghiệp của Đức Đinh Tiên Hoàng đế-Người anh hùng tài trí hơn người đã đứng lên thu phục nhân tâm, dẹp yên đất nước, thống nhất giang sơn, mở xưng Hoàng đế, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, trang sử độc lập, thống nhất, tự cường.
Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đức Đinh Tiên Hoàng đế là sự kiện quan trọng, vừa tri ân, vừa ôn lại, làm sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của vua Đinh, về vị trí, vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của triều đại Nhà Đinh, của Nhà nước Đại Cồ Việt và của vùng đất Cố đô trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Gia Viễn đã kế thừa thành quả của các bậc tiền nhân, cùng tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Sau 43 năm tái lập huyện (tháng 4/1981), từ một huyện thuần nông, chịu nhiều thiên tai, bão lũ, Gia Viễn đã vươn lên trở thành huyện phát triển của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao nhiều năm liên tục. Nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị. Công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là trên địa bàn huyện có khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, có nhiều dự án đóng góp lớn và tạo sức lan tỏa cho sự phát triển của tỉnh; các nhà máy trên địa bàn huyện đóng góp khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp khoảng trên 70% thu ngân sách của tỉnh…
Những thành tựu huyện Gia Viễn đạt được đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình, là cơ sở quan trọng để tỉnh kiên định thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa", dựa trên các giá trị nổi trội, độc đáo, đặc sắc riêng có về văn hóa-lịch sử, tự nhiên-sinh thái.
Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chúc mừng, ghi nhận, biểu dương những thành tích rất tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Viễn đã đạt được; đánh giá cao cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân Đức Đinh Tiên Hoàng đế và tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa của con người, vùng đất Cố đô.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết tâm phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí, giao thông hiện đại.
Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Gia Viễn tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, thống nhất, xây dựng huyện Gia Viễn phát triển nhanh và bền vững, góp phần sớm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của tỉnh.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quan tâm giáo dục, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các giá trị tốt đẹp, truyền thống văn hóa-lịch sử, những đóng góp của các thế hệ cha ông để các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ, từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên. Cần phải tổ chức nghiên cứu, đánh giá, làm rõ sự nghiệp, công trạng, đóng góp của những bậc tiên đế, tiền nhân, của các thế hệ đi trước; từ đó, có những giải pháp để thông tin, lưu giữ, giáo dục và phát huy giá trị; cần tiếp tục tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa; giữ gìn, bảo tồn sinh thái tự nhiên đặc biệt như Vùng ngập nước Vân Long… phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Quan tâm công tác quy hoạch, có định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp, hài hòa, hiệu quả, trên cơ sở phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, những giá trị đặc sắc, nổi trội về văn hóa-lịch sử-sinh thái tự nhiên.
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong huyện kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh và liên tỉnh. Tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô, điện tử; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ du lịch; phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, đa giá trị nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới. Phát huy tốt hơn nữa nguồn lực con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, đảm bảo an sinh xã hội. Quyết tâm, nỗ lực xây dựng Gia Viễn sớm trở thành thị xã.
Màn sử thi Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh do các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Ninh Bình biểu diễn
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng theo dõi màn sử thi về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, do các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Ninh Bình biểu diễn. Màn sử thi đã đưa người xem trở về làng Đại Hữu (xã Gia Phương, Gia Viễn) từ 1.100 năm trước, nơi Đinh Bộ Lĩnh cất tiếng khóc chào đời cho đến những năm tháng thời niên thiếu thường chăn trâu, chơi trò đánh trận giả ở Thung Lau, Thung Lá cùng bạn bè đồng trang lứa và hành trình Đinh Bộ Lĩnh dấy cờ khởi nghĩa, nuôi ý chí dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, thiết lập triều đình, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt…
Nguồn: Baoninhbinh.org.vn
Trực tuyến: 11
Hôm nay: 195