Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện đồng bộ, cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng không chỉ dừng ở đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Sáng 26/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thông tin về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Bộ trưởng cho biết đây là chủ trương lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng nhiều địa phương đã rất nỗ lực.
Trong 54 địa phương thuộc diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì có 51 địa phương thực hiện.
Còn 3 địa phương Bình Phước, Điện Biên, Lai Châu chưa thực hiện được do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho 38 địa phương, tiếp nhận hồ sơ của 10 địa phương, có 2 địa phương Hà Tĩnh, Ninh Bình "chậm hơn một chút do mở rộng không gian TP hiện hữu với một đơn vị hành chính cấp huyện nông thôn".
Như vậy sẽ sắp xếp 38 và giảm 9 đơn vị hành chính cấp huyện; sắp xếp 1.176 và giảm 562 đơn vị hành chính cấp xã.
Điều này dẫn đến việc giảm số lượng rất lớn đơn vị tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp, cũng là giảm rất nhiều cán bộ dôi dư và trụ sở công.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại tổ sáng nay. Ảnh: Đình Trung
Bộ trưởng cho biết có nhiều địa phương làm rất tốt, điển hình là Nam Định. Tỉnh này sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 79 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã.
Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã, TPHCM sắp xếp số lượng lớn đơn vị hành chính hay Hải Phòng cũng là điển hình. "Nhiều địa phương rất quyết liệt. Ở đâu quyết liệt ở đó thành công và người dân đồng thuận nhưng ở đâu không quyết liệt, không quyết tâm, nhất là người đứng đầu thì ở đó chưa đạt được mục tiêu", Bộ trưởng nêu rõ.
Bà Trà cho biết có những địa phương "ngại khó, ngại khổ" vì việc sắp xếp rất khó, phức tạp, nhạy cảm.
"Trên thế giới chưa có nước nào mà đơn vị hành chính lại lớn và khủng khiếp như Việt Nam... Cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như ở Việt Nam, 62% chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người, còn đâu mà chi cho đầu tư", Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh: "Tinh thần của Tổng Bí thư rất quyết tâm. Chúng ta phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống, có cả hệ thống hành chính nhà nước, cơ quan Quốc hội, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đảng, đặc biệt những đơn vị hành chính, để thấy một tinh thần sẵn sàng chứ không chỉ dừng ở sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã".
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị đồng tình chủ trương này và cố gắng khẩn trương cho kịp Đại hội Đảng bộ các cấp. Bộ trưởng mong 2 địa phương còn lại chậm nhất đến 15/11 phải làm dứt điểm .
Về chính sách tiền lương, Bộ trưởng chia sẻ "khó khăn như vậy nhưng Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 700.000 tỷ đồng, đến năm 2026 là 930.000 tỷ cho thực hiện chính sách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công....".
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận thực tiễn vẫn còn bất cập. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương trên tinh thần của Kết luận 83.
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát lương của nhân viên hành chính sự nghiệp, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế.
"Chúng tôi sẽ rà soát một cách tổng thể để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp theo tinh thần nghị quyết của Trung ương, nhất là kết luận của Bộ Chính trị đã ban hành, để làm sao đảm bảo với những đối tượng mang tính đặc thù cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn, đảm bảo được đời sống của họ một cách tốt hơn", bà Trà nhấn mạnh.
Còn nhìn tổng thể, theo Bộ trưởng, 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, mức tăng lên đã là 50,8%, trong đó năm nay 30%, như vậy là rất lớn.
Nguồn: vietnamnet.vn
Trực tuyến: 18
Hôm nay: 237