Ảnh minh họa (internet).
Ở Việt Nam, việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ với chính quyền địa phương (CQĐP) và giữa các cấp CQĐP được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và trong rất nhiều luật chuyên ngành.
Trong quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội với mức độ khác nhau đều có sự phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với CQĐP. Mức độ và phạm vi phân định thẩm quyền của mỗi lĩnh vực đều dựa trên nguyên tắc là: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước vĩ mô mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách nhất quán, đồng bộ; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện. Phân định thẩm quyền là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy lợi thế và vị trí của mỗi cấp trong hệ thống hành chính nhà nước theo sự quản lý thống nhất của Chính phủ.
Trong quá trình cải cách hành chính nhà nước, phân cấp trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ở Việt Nam đã được thực hiện khá cụ thể và rõ ràng:
Thứ nhất, về tổ chức bộ máy, ngoài tổ chức bộ máy “cứng” – bắt buộc thực hiện theo quy định của Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh có thể căn cứ vào hướng dẫn của trung ương và tình hình thực tế của địa phương để quyết định thành lập hoặc giảm bớt những cơ quan giúp việc hoặc các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công khác.
Thứ hai, phân cấp trong quản lý CBCCVC. Căn cứ quy định phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chứcnăm 2019 và các văn bản có liên quan, có thể đánh giá như sau:
– UBND tỉnh ở nhiều địa phương đã ban hành các quyết định về phân cấp quản lý CBCCVC trên địa bàn. Nhiều tỉnh, thành phố, như: Đà Nẵng, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương… đã phân cấp cho giám đốc sở bổ nhiệm trưởng phòng cấp sở và tương đương; chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm trưởng, phó phòng thuộc UBND; bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc ban quản lý đầu tư xây dựng cấp huyện; phân cấp cho UBND cấp huyện tổ chức thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng, điều động và kỷ luật công chức cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý.
– Việc quản lý biên chế, tổ chức tuyển dụng và nâng ngạch công chức được thay đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho cấp dưới và quản lý dựa trên tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, mô tả công việc và xây dựng cơ cấu công chức. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức được thể hiện ngay trong văn bản luật mà không giao cho Chính phủ hoặc các cơ quan khác quy định.
– CQĐP xác định tổng số biên chế của các cơ quan hành chính nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và quyết định việc phân bổ CBCCVC các cơ quan hành chính thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã; quyết định thu hút CBCCVC có năng lực về làm việc tại địa phương. Cùng với việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho các bộ, ngành và địa phương, pháp luật có bổ sung quy định các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm thực hiện phân cấp tuyển dụng công chức cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. Đã gắn thẩm quyền sử dụng với thẩm quyền tuyển dụng, khắc phục tình trạng người được giao quyền tuyển dụng không được giao quyền sử dụng; người được giao sử dụng thì lại không được giao quyền tuyển dụng. Việc thi nâng ngạch phải qua kỳ thi và thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh để lựa chọn người giỏi hơn; không hạn chế số lượng người đăng ký. Tuy nhiên, chỉ tiêu dự thi được xác định dựa trên cơ sở nhu cầu vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức.
– Phân định thẩm quyền trong đào tạo công chức: việc đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo hướng đào tạo căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn ngạch công chức phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đào tạo, bồi dưỡng được phân cấp cho nhiều cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong đào tạo cán bộ, công chức.
– Phân định thẩm quyền trong sử dụng, bổ nhiệm: các nội dung quy định liên quan đến bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm công chức nay được đưa vào văn bản luật. Đối với cán bộ, công chức cấp xã bên cạnh việc quy định rõ và cụ thể các chức vụ của cán bộ cấp xã, chức danh của công chức cấp xã. Pháp luật phân cấp toàn diện cho cấp huyện quản lý cấp xã. Để chủ động và tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, đặc điểm của từng địa phương. Việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC đã có kết quả tích cực trong thời gian qua. Đã tăng thêm sự chủ động của địa phương trong tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC, bước đầu phù hợp với đặc thù của chính quyền đô thị – nông thôn, hải đảo…, yêu cầu cụ thể trong xây dựng đội ngũ CBCCVC của các địa phương, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, CQĐP. Bên cạnh đó, đã khắc phục được cơ bản các vấn đề giao thoa, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, phân định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện. Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phân cấp trong tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC còn một số hạn chế:
– Phân cấp vẫn chủ yếu “từ trên xuống”, chưa phải “từ dưới lên”, vì vậy chưa thực sự tạo sự chủ động cần thiết cho các cấp địa phương, đồng thời làm cho chính quyền trung ương quá tải, khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ tham nhũng, thất thoát.
– Phân cấp mang tính đồng loạt và ít có sự khác biệt giữa các cấp CQĐP. Hiện nay, theo quy định chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều thực hiện nhiệm vụ luật định gần giống nhau, chỉ khác nhau về cấp độ và khu vực địa lý trong khi nguồn lực, năng lực, nhu cầu và tính chất quản lý rất khác biệt. Điều này làm cho chức năng, nhiệm vụ của các cấp CQĐP có sự chồng chéo, trùng lắp. Cơ quan cấp dưới chủ yếu lo tổ chức triển khai công việc mà cấp trên giao xuống. Có những vấn đề mang tính cụ thể của địa phương lại chưa được giải quyết triệt để vì không thuộc kế hoạch đã được phê duyệt và do vậy không có kinh phí thực hiện. Trừ 5 thành phố trực thuộc trung ương, còn lại tất cả các tỉnh được áp dụng chung một chính sách phân cấp mặc dù có sự khác biệt rất lớn về mức độ phát triển kinh tế – xã hội, về quy mô, nguồn lực, năng lực… Điều này cho thấy, việc phân cấp, phân định thẩm quyền vẫn còn mang dấu ấn của tư tưởng cào bằng, chưa bảo đảm sự tương xứng giữa khối lượng, tính chất nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao với năng lực thực tế về tài chính, nhân sự của địa phương. Với cơ chế phân cấp kiểu cào bằng, các địa phương còn nhiều khó khăn không nhận được sự hỗ trợ tích cực cũng như những tác động tích cực từ quá trình phân cấp do không đủ năng lực thực hiện thẩm quyền được giao trong khi CQĐP ở những nơi có khả năng phát triển tốt lại cảm thấy cơ chế phân cấp còn “chật hẹp”, “gò bó”.
– Năng lực một số địa phương chưa tương xứng với thẩm quyền được giao. Do đó, địa phương gặp khó khăn trong triển khai nhiệm vụ vì thiếu công chức có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, thiếu trang thiết bị làm việc và thiếu kinh phí hoạt động. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện chủ trương phân cấp ở nước ta trong thời gian qua.
– Phân cấp, phân quyền chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức như báo cáo, thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép… đối với một số vấn đề đã phân cấp cho cấp dưới.
(1) Rà soát, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành, CQĐP.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2016, cần xây dựng nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, cương quyết giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo tinh thần các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo phân công của Chính phủ và quy định pháp luật chuyên ngành, bảo đảm một ngành, lĩnh vực được giao cho một bộ chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. Những việc có sự giao thoa giữa các bộ, ngành và giữa các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành phải xác định rõ nội dung phối hợp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện; không chồng chéo hoặc chia cắt, bỏ trống nhiệm vụ.
Trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành cần thể hiện rõ nội dung phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với bộ, ngành và giữa bộ, ngành với CQĐP cấp tỉnh, bảo đảm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước.
Về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đề nghị phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện nhằm bảo đảm phù hợp với đặc điểm của địa phương và thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu giúp UBND quản lý nhà nước về các lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
Phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc không thành lập tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của địa phương và thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, góp phần sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh.
(2) Đẩy mạnh phân cấp quản lý CBCCVC.
Rà soát các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và CQĐP. Đề xuất điều chỉnh một số vấn đề cụ thể như sau:
– Đề nghị bỏ thủ tục phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi Hội đồng nhân cấp tỉnh bầu phó chủ tịch UBND cấp tỉnh (trừ thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và cấp huyện với điều kiện nếu các nhân sự đã được thực hiện quy trình trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện quy định tại Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ.
– Về xác định biên chế, số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Phân cấp cho UBND cấp tỉnh giao tổng biên chế cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để huyện chủ động phân bổ lượng biên chế cho các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và giao UBND cấp huyện (trên cơ sở được UBND cấp tỉnh đã phê duyệt) linh hoạt điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã theo hướng tăng thêm, hoặc giảm đi theo đặc thù của địa phương mà vẫn bảo đảm tổng số chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách cấp xã được giao trên địa bàn tỉnh (huyện) theo quy định (sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố). Phân cấp trong việc quyết định số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (sửa đổi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ).
– Về đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Phân cấp cho địa phương tự chủ về ngân sách được quyết định hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng viên chức bằng nguồn ngân sách tự chủ của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công ở địa phương (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức).
– Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Phân cấp cho địa phương quyết định theo thẩm quyền đối với biên chế sự nghiệp công lập, do liên quan đến thực tế nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương và nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị để quyết định cho phù hợp, bảo đảm thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Phân cấp cho địa phương trong việc quyết định số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý để phù hợp với thực tiễn hoạt động của từng địa phương. Đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và quản lý viên chức phù hợp với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng ngành, lĩnh vực, hướng tới quản lý đơn vị sự nghiệp công lập giống mô hình doanh nghiệp. Phân cấp cho địa phương thẩm quyền tiếp nhận vào làm viên chức đối với người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục – thể thao, các ngành nghề truyền thống, để địa phương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trên địa bàn tỉnh.
– Phân cấp trong thực hiện chế độ chính sách đối với CBCCVC. Phân cấp cho UBND cấp tỉnh được quy định chế độ, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tiếp tục phân cấp hơn nữa cho giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác thực hiện chế độ chính sách đối với CBCCVC.
Phân cấp quản lý nhân sự hành chính nhà nước không thể thực hiện được nếu thiếu các điều kiện về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, cụ thể như sau:
Một là, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách về tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC.
– Xác định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của các cơ quan quản lý tổ chức bộ máy và quản CBCCVC. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ này phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật. Cụ thể là, xác định rõ chức năng của Bộ Nội vụ; bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các cấp; Sở Nội vụ; Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện.
– Xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý của các tổ chức bộ máy và quản CBCCVC: Bộ Nội vụ, sở Nội vụ, phòng Nội vụ và bộ phận quản lý nhân sự trong các cơ quan hành chính nhà nước (vụ Tổ chức cán bộ, phòng Tổ chức cán bộ…). Dựa trên chức năng, nhiệm vụ đã được xác định mà xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp. Khi tiến hành phân cấp mạnh cho cấp dưới tức là làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, do vậy, phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức sao cho tương xứng với chức năng, nhiệm vụ đã thay đổi.
– Xây dựng mối quan hệ hợp lý giữa các cơ quan, bộ phận thực hiện chức năng tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC.
Hai là, tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên trách về tổ chức bộ máy và quản CBCCVC thông qua các hoạt động cơ bản như sau: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBCCVC làm công tác tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC; thường xuyên cập nhật và cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Các địa phương cần tiến hành các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ về tổ chức và quản lý nhân sự như: kỹ năng thiết kế tổ chức, kỹ năng kế hoạch hoá nguồn nhân lực; kỹ năng tuyển dụng; kỹ năng bố trí, sắp xếp nhân sự; kỹ năng xác định nhu cầu đào tạo CBCCVC, kỹ năng đánh giá.
– Cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc và các điều kiện phục vụ công vụ nhằm thu hút và giữ lại những CBCCVC có năng lực.
Ba là, bảo đảm nguồn lực tài chính để giúp các cấp thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC được giao. Kinh phí để thực hiện các thẩm quyền có thể khai thác từ địa bàn trên cơ sở cân đối nguồn thu với nhu cầu chi hoặc có thể chuyển từ cấp trên về trên cơ sở nhu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tăng cường phối hợp và giám sát công tác tổ chức bộ máy và quản lý CBCCVC sau phân cấp. Mục tiêu tối thượng của phân cấp là nâng cao hiệu quả quản lý, do vậy, chúng ta không chỉ cần quan tâm đến việc làm thế nào để đẩy mạnh việc phân cấp bằng việc trao quyền nhiều hơn cho cấp dưới mà còn phải quan tâm đến việc quản lý sau phân cấp để vẫn bảo đảm được sự quản lý tập trung của Chính phủ và bộ quản lý chuyên ngành về nhân sự (Bộ Nội vụ) đồng thời, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo của CQĐP trong điều kiện mới.
Việc phân cấp chỉ đem lại hiệu quả nếu làm tốt khâu quản lý nhà nước sau phân cấp. Nếu chỉ chú trọng đến việc quy định cho cấp nào được làm việc gì, việc gì cần chuyển giao cho cấp dưới thì mới chỉ giống như “phần nổi của tảng băng”, điều mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm đó là quản lý sự phân cấp như thế nào. Hoạt động quản lý này phải bảo đảm sự giám sát của cơ quan quản lý cấp trên với cấp dưới, bảo đảm sự quản lý thống nhất của cơ quan quản lý trung ương song vẫn để các cơ quan cấp dưới được tự chủ đối với những hoạt động đã được phân cấp.
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/
Trực tuyến: 11
Hôm nay: 393