Trung tâm lưu trữ lịch sử
Thứ Tư, 22/01/2025
Chào mừng đến với Website của Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Ninh Bình.

Trách nhiệm của lãnh đạo trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ Lưu trữ số trong cơ quan, tổ chức

Thứ năm, 19/12/2024 21 lượt xem

Để phát triển khai thác Lưu trữ số thành công, vai trò của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định sự thành bại của công cuộc chuyển đổi số.

    Thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số của Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện hoạt động đã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc để giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức. Tài liệu lưu trữ số đã góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của các công việc, thay thế cách thức làm việc thủ công truyền thống bằng phương thức hoạt động tự động, góp phần tiết kiệm được nhiều chi phí trong các hoạt động in ấn, phát hành, chuyển giao văn bản; giúp minh bạch hóa quá trình làm việc của các cấp và quy định trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của công chức, viên chức một cách minh bạch, khách quan.
    Theo báo cáo khảo sát của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, từ sau Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 có hiệu lực thi hành đến nay, một số cơ quan, tổ chức đã triển khai thực hiện hoạt động văn thư, lưu trữ số và đã đạt được những kết quả như sau:
    - Nhiều cơ quan, tổ chức đã sử dụng văn bản điện tử dần dần thay thế văn bản giấy và lập hồ sơ điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành. 
    - Nhiều cơ quan, tổ chức đã số hóa tài liệu giấy theo quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Nội vụ quy định quy định về tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử.
    - Các cơ quan, tổ chức đã đầu tư về cơ sở hạ tầng lưu trữ, hệ thống phần mềm quản lý tài liệu điện tử, tài liệu lưu trữ điện tử và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Một số bộ, ngành đầu tư đáng kể cho hoạt động lưu trữ hồ sơ, tài liệu lưu trữ số của lĩnh vực chuyên môn như: Tư pháp, đất đai, kho bạc, ngân hàng, hải quan… 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như sau:
    - Nhiều cơ quan, tổ chức vẫn chưa thực hiện được việc lập hồ sơ và nộp hồ sơ điện tử vào lưu trữ, một số cơ quan đã lập hồ sơ điện tử nhưng chưa có cách thức đóng gói hồ sơ điện tử trong Hệ thống. Phần mềm của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có chức năng lập hồ sơ hoặc có chức năng lập hồ sơ điện tử nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của pháp luật và thực hiện hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
    - Nhiều tài liệu lưu trữ đã được số hóa nhưng cấu trúc dữ liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn dữ liệu của thông tin đầu vào theo quy định, tài liệu lưu trữ chưa được đóng gói trong quá trình lưu trữ, do vậy, cần phải chuẩn hóa dữ liệu khối tài liệu số hóa này để đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật hiện hành về lưu trữ số.
    - Hạ tầng công nghệ và phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ số đã được đầu tư tại các cơ quan, tổ chức cũng chưa đáp ứng yêu cầu pháp lý, yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu nghiệp vụ lưu trữ số.
    Thực tiễn chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động văn thư, lưu trữ nói riêng cho thấy, để chuyển đổi số thành công không chỉ đơn thuần là đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà phải là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc, bắt đầu từ nhận thức, tới hành lang pháp lý đồng bộ và việc nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Do vậy, để triển khai Lưu trữ số thành công, yếu tố tiên quyết chính là sự tham gia của các cấp lãnh đạo trong việc triển khai nhiệm vụ Lưu trữ số. Nói cách khác, vai trò của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định sự thành bại của công cuộc chuyển đổi số. 
    Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi về việc xác định trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong việc triển khai nhiệm vụ lưu trữ số của Bộ Nội vụ; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Nội vụ; Sở Thông tin và Truyền thông; người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc diện nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác và Lưu trữ lịch sử, cụ thể như sau:
    1. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ
    Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Để triển khai nhiệm vụ Lưu trữ số trên phạm vi toàn quốc, cơ quan quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ là Bộ Nội vụ cần thực hiện những nội dung sau:
    a) Hoàn thiện hành lang pháp lý về lưu trữ tài liệu lưu trữ số
    Bộ Nội vụ tham mưu trình Chính phủ ban hành và trực tiếp ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Lưu trữ mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ VII tháng 6 năm 2024, cần cụ thể hóa về các nội dung sau: 
    - Quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; 
    - Kho lưu trữ số và hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số;
    - Các tiêu chuẩn, cấu trúc dữ liệu tài liệu lưu trữ số;
    - Các quy trình nghiệp vụ lưu trữ số: số hóa, chuyển đổi tài liệu lưu trữ số thành tài liệu lưu trữ giấy; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số.
    b) Thiết lập và quản lý Kho Lưu trữ số Nhà nước theo đúng tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
    c) Tuyên truyền phổ biến pháp luật về lưu trữ số.
    d) Xây dựng các chế tài tương ứng để cán bộ công chức, viên chức của các Bộ, ngành, địa phương, người lao động trong cơ quan, tổ chức chấp hành tốt công việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử đúng quy định (về chất lượng hồ sơ, thời gian giao nộp); có cơ chế chính sách phù hợp, thỏa đáng nhằm khích lệ, động viên người làm công tác lưu trữ.
    2. Trách nhiệm của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước    
    Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ tại các Lưu trữ lịch sử nhà nước cấp trung ương, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:
    a) Tham mưu, xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý tài liệu lưu trữ số nói chung, các nghiệp vụ cụ thể của việc lưu trữ tài liệu lưu trữ số, trình các cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
    b) Rà soát để trình cơ quan có thẩm quyền công bố, bãi bỏ các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành (kể cả các văn bản hành chính hướng dẫn về nghiệp vụ lưu trữ) đã hết hiệu lực về công tác văn thư, lưu trữ.
    c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý tài liệu, hồ sơ tại Lưu trữ hiện hành trong các cơ quan, tổ chức, thu nộp tài liệu lưu trữ số vào Lưu trữ lịch sử; bảo quản an toàn và phục vụ khai thác, tài liệu lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và Lưu trữ lịch sử các cấp.
    3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
    Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lưu trữ tại địa phương và quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước tại địa phương, nội dung cụ thể sau:
    a) Chỉ đạo quản lý tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh và tại lưu trữ hiện hành của cơ quan, tổ chức.
    b) Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của địa phương
    c) Thiết lập Kho Lưu trữ số của địa phương, đặc biệt là nhằm mục đích quản lý tài liệu lưu trữ số vĩnh viễn và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của địa phương.
    d) Ban hành văn bản chỉ đạo và thực hiện việc kiểm tra về các hoạt động lưu trữ số của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, là nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử.
    đ) Đầu tư kinh phí và chỉ đạo sát sao việc xây dựng mới hoặc nâng cấp Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số tại các cơ quan, tổ chức và Lưu trữ lịch sử một cách hiệu quả, tiết kiệm để thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh, đảm bảo đầy đủ các quy trình nghiệp vụ lưu trữ điện tử để đảm bảo an toàn thông suốt thông tin tài liệu lưu trữ của tỉnh.
    e) Tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn thư, lưu trữ về các hoạt động lưu trữ số nói chung và các nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
    4. Trách nhiệm của Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương    
    Sở Nội vụ có chức năng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về hoạt động quản lý lưu trữ số tại địa phương với các nội dung cụ thể sau:
    a) Tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động quản lý tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tại địa phương.
    b) Tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ lưu trữ số tại địa phương.
    c) Tham gia kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ lưu trữ số cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
    d) Thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật (thẩm định, xét duyệt theo phân cấp…).
    đ) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong các nội dung có liên quan đến kỹ thuật về công nghệ phục vụ Lưu trữ số.
    5. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông    
    Thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hoặc phối hợp với Sở Nội vụ để triển khai Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước, giai đoạn 2020 – 2025 hoặc các dự án về Lưu trữ số trên địa bàn tỉnh. Việc phối hợp giữa đơn vị lưu trữ với đơn vị công nghệ chưa thực sự chặt chẽ. Nhiều cơ quan, địa phương có đội ngũ CNTT có chuyên môn về lĩnh vực công nghệ hoặc thuê các doanh nghiệp công nghệ để xây dựng Hệ thống quản lý tài liệu văn thư, lưu trữ điện tử nhưng các đơn vị chủ trì thực hiện không nắm bắt đầy đủ nghiệp vụ về công tác văn thư lưu trữ để triển khai lập trình, thực hiện đúng ý các yêu cầu của nghiệp vụ lưu trữ. Tuy nhiên, một số địa phương giao đơn vị chủ trì là Sở Thông tin và Truyền thông chủ động xây dựng các hệ thống mà ít có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với đơn vị phụ trách công tác lưu trữ hoặc chuyên gia lưu trữ dẫn đến có trường hợp các phần mềm đã được thiết kế nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về pháp lý và nghiệp vụ hoạt động lưu trữ số.
    Nhiều đơn vị xây dựng Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ tại cơ quan nhưng không kết nối được với Hệ thống quản lý tài liệu của Lưu trữ lịch sử gây khó khăn cho quá trình thu nộp tài liệu đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tra tìm, xác thực tài liệu lưu trữ số; hệ thống phần mềm giữa các cơ quan đơn vị khác nhau còn chưa thể liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu nên chưa tận dụng được tối đa lợi ích của tài liệu lưu trữ số và lưu trữ số. Dưới góc độ đánh giá hiệu quả của đầu tư công thì cách làm như vậy chưa thực sự hiệu quả, còn lãng phí, chưa đúng với tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.
    Do vậy, đề nghị trong quá trình triển khai các dự án Lưu trữ số tại địa phương cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Nội vụ, đảm bảo giải quyết các vấn đề về văn thư, lưu trữ số thiết thực, phù hợp, đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, hiệu quả và tiết kiệm. Khi triển khai thực hiện lưu trữ số cần đặc biệt lưu ý về các nội dung sau:
    - Đảm bảo kết nối, chia sẻ, chuyển giao tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số an toàn.
    - Đảm bảo bảo quản an toàn, toàn vẹn và kéo dài tuổi thọ của tài liệu lưu trữ số. Đảm bảo các hồ sơ, tài liệu số được lưu trữ ở các định dạng và hệ thống cho phép truy cập và sử dụng lâu dài.
    - Đảm bảo xác thực lâu dài tài liệu lưu trữ số.
    - Đảm bảo việc cung cấp thông tin tài liệu lưu trữ số.
    - Luôn cập nhật công nghệ và xu hướng mới trong lưu trữ số để cập nhật các hoạt động của tổ chức.
    - Giám sát việc thiết lập các giao thức bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ thông tin nhạy cảm và bí mật.
    6. Trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử nhà nước cấp trung ương
    Người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ cần xác định mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức; thiết lập các mục tiêu rõ ràng cho hoạt động lưu trữ số phù hợp với các ưu tiên của tổ chức, chẳng hạn như tuân thủ, khả năng truy cập và bảo quản. Bên cạnh việc xác định rõ mục tiêu, người lãnh đạo phải tạo kế hoạch chiến lược nêu rõ các bước triển khai xây dựng và phát triển các hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; lộ trình thực hiện sẽ giúp toàn bộ cơ quan, tổ chức xác định được nhiệm vụ cụ thể của mình trong từng khoảng thời gian nhất định cũng như kết quả đạt được trong từng khoảng thời gian đó, từng bước từng bước đạt được mục tiêu chung của cơ quan, tổ chức.
    Người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử nhà nước cấp trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động văn thư, lưu trữ với các nội dung sau:
    a) Chỉ đạo việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ trong phạm vi quản lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ Phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam.
    b) Ban hành Bảng thời hạn lưu trữ tài liệu đối với tài liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước.
    c) Đầu tư ngân sách cho hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị, phần mềm… cho các hoạt động lưu trữ số và thiết lập kho lưu trữ số, Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số để quản lý tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ thuộc phạm vi quản lý.
    d) Thực hiện nộp tài liệu lưu trữ số vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia đúng tiến.
    đ) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động lưu trữ của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý.
    e) Ban hành văn bản chỉ đạo và thực hiện việc kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, là nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử.
    g) Tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ chuyên môn về các hoạt động lưu trữ để mọi công chức, viên chức trong bộ, ngành nhận ra tầm quan trọng của việc lưu trữ số và quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ trong cơ quan, tổ chức. Phải khẳng định rằng, không ai có thể lập hồ sơ chính xác, đầy đủ thành phần tài liệu trong hồ sơ, xác định chính xác thời hạn bảo quản… bằng chính người được giao chủ trì thụ lý công việc đó lập và giao nộp. Nếu cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức không tuân thủ quy định lập hồ sơ, không chủ động lập hồ sơ mà cố tình để tồn đọng qua thời gian sẽ trở thành “rác điện tử” trên môi trường điện tử. Do vậy, cần thường xuyên đào tạo và hỗ trợ cho công chức, viên chức ngành về công nghệ và quy trình mới liên quan đến lưu trữ số và quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, đảm bảo họ hiểu vai trò và trách nhiệm của mình.
    Ngoài ra, để đảm bảo về chất lượng hồ sơ công việc, cần xây dựng các chỉ số hiệu suất, coi việc lập hồ sơ là kết quả hoàn thành công việc để đánh giá hiệu quả và hiệu suất của hệ thống lưu trữ số và quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ trong ngành, lĩnh vực mình.
    7. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào Lưu trữ lịch sử
    Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
    - Chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thành Hệ thống văn bản quản lý điều hành đảm bảo các yêu cầu chức năng và yêu cầu kỹ thuật cho việc lập hồ sơ, bảo quản an toàn và nộp tài liệu lưu trữ số, lưu trữ điện tử vào phân hệ Lưu trữ trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành.
    - Chỉ đạo lập hồ sơ điện tử theo đúng quy định và giao nộp hồ sơ tài liệu vào Lưu trữ cơ quan trên Hệ thống đối với tài liệu Lưu trữ số.
    - Đối với khối tài liệu giấy đang bảo quản tại lưu trữ cơ quan cần bảo đảm tài liệu đưa ra số hóa là tài liệu có tần suất sử dụng cao và có khả năng tái sử dụng sau khi số hóa và thực hiện xây dựng dữ liệu đặc tả đối với tài liệu số hoá.
    - Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ: cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của cơ quan được hình thành từ cơ sở dữ liệu tài liệu được tạo lập điện tử và cơ sở dữ liệu tài liệu được số hoá từ tài liệu giấy. Chức năng quản lý tài liệu lưu trữ của cơ quan có thể được xây dựng là một phân hệ của Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc hoặc xây dựng riêng biệt là một Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ độc lập. Điều này tuỳ thuộc vào chỉ đạo của Lãnh đạo và thực tế ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, nhưng dù riêng biệt hay chung thì chức năng quản lý tài liệu lưu trữ của cơ quan cần đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ công tác lưu trữ: bảo quản, thống kê, tổ chức sử dụng tài liệu và đặc biệt là phát huy giá trị tài liệu lưu trữ số.
    - Thực hiện các hoạt động xác định giá trị, thu nộp, bảo quản, thống kê, số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu, tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; thực hiện nộp hồ sơ, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn vào lưu trữ lịch sử theo quy định.
    - Trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ có thời hạn, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn chưa đến thời hạn nộp vào lưu trữ lịch sử và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn không thuộc trường hợp nộp vào lưu trữ lịch sử.
    8. Trách nhiệm của Lưu trữ lịch sử    
    Lãnh đạo Lưu trữ lịch sử có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lưu trữ số sau đây:
    a) Thực hiện số hoá tài liệu lưu trữ không ở định dạng số
    Lưu trữ lịch sử số hóa tài liệu lưu trữ không ở định dạng số tại các Lưu trữ lịch sử có tần suất sử dụng cao, biên mục dữ liệu đặc tả đáp ứng yêu cầu phục vụ độc giả sử dụng tài liệu lưu trữ trực tuyến ở mức độ 4. 
    b) Xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ và phục vụ nhu cầu tìm kiếm, khai thác, sử dụng tài liệu của các tổ chức, cá nhân. 
    c) Thu nộp tài liệu lưu trữ số, tài liệu lưu trữ số từ các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
    d) Lưu trữ lịch sử có trách nhiệm xây dựng hoặc tham gia xây dựng mới hoặc nâng cấp, vận hành hạ tầng kỹ thuật và quản trị Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số tại các Lưu trữ lịch sử, đảm bảo đầy đủ các tính năng của các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ điện tử để thực hiện tiếp nhận, bảo quản an toàn, khai thác, sử dụng hiệu quả hồ sơ tài liệu lưu trữ số, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số tại địa phương.
    đ) Thực hiện hoạt động xác định giá trị, bảo quản, thống kê, số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu, tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ theo quy định.
    e) Thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn của viên chức nghiệp vụ lưu trữ thực hiện việc thu nộp tài liệu lưu trữ số, về nghiệp vụ lưu trữ và các kỹ năng thao tác nghiệp vụ trên Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số.

Nguồn: https://luutru.gov.vn/

 

Liên kết website
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
195331

Trực tuyến: 9

Hôm nay: 293