Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của từng địa phương trên cả nước, đồng thời góp phần cải thiện năng lực, kết quả ĐMST cấp quốc gia.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN), Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là một chỉ số tổng hợp (Index) của 52 chỉ số thành phần (indicator), được xây dựng nhằm phản ánh bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
52 chỉ số thành phần được chia làm 7 trụ cột, gồm: 5 trụ cột đầu vào (thể chế; vốn con người và nghiên cứu, phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp) và 2 trụ cột đầu ra (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động).
So sánh khung chỉ số GII năm 2023 và PII Việt Nam năm 2023. Nguồn: Bộ KH&CN |
Các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo địa phương có thể sử dụng bộ chỉ số trong việc lựa chọn các định hướng, giải pháp riêng phù hợp cho mỗi tỉnh, thành. Cụ thể, dựa theo các trụ cột và chỉ số thành phần sẽ có cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các sáng kiến, tận dụng thế mạnh và vượt qua các thách thức.
Dựa theo PII để đánh giá, so sánh tiềm lực giữa các địa phương để có giải pháp điều hành quản lý, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.
Ông Trần Văn Nghĩa cũng cho biết, khi có bộ chỉ số tổng hợp công bố kèm theo bảng xếp hạng, các địa phương sẽ quan tâm đến vị trí trong bảng xếp hạng trong tương quan với các địa phương khác. Từ đó có thể đặt mục tiêu cho thứ hạng của địa phương mình cho những năm tiếp theo hoặc những nhiệm vụ giải pháp, phân công theo dõi, thực hiện. Tuy nhiên do bối cảnh cũng như hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từng địa phương khác nhau nên thứ hạng chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của PII.
“Thay vì chỉ quan tâm đến thứ hạng, các địa phương nên đi sâu tìm hiểu chi tiết số liệu mà PII cung cấp, phản ánh về địa phương mình, lấy dữ liệu PII làm tiền đề (cùng với dữ liệu khác) để tổ chức những diễn đàn với sự tham gia của đa dạng các bên liên quan để cùng nhận định đúng những điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết. Từ đó, đề ra những quyết sách về mô hình tăng trưởng, những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện", ông Trần Văn Nghĩa cho biết./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Trực tuyến: 11
Hôm nay: 267